Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển giúp giảm lượng khí thải

Trung Quốc, một trong các nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, một lần nữa nói rằng các quốc gia phát triển phải giúp Trung Quốc và các nền kinh tế đang mở mang, giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính. Các giới chức Trung Quốc nói họ sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm mức tiêu thụ than đá gây ô nhiễm nếu không có tiền mặt và kỹ thuật do các nước giàu cung cấp. Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Một văn kiện mới về chính sách công bố ngày hôm nay nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các quốc gia phát triển đã gây thiệt hại nhiều nhất cho hành tinh này về mặt lịch sử vì thế mà họ phải gánh trách nhiệm nhiều nhất.

Văn kiện này nói rằng các nước giàu phải chuyển nhượng thiết bị kỹ thuật cao để tiết giảm khí thải có hiệu ứng nhà kính cho các nước đang phát triển. Văn kiện này thừa nhận rằng việc Trung Quốc dựa vào than đá để làm nguồn năng lượng khiến cho nước này khó mà giảm được việc thải khí.

Việc Trung Quốc sử dụng than đá rẻ tiền và gây ô nhiễm nặng đã đem lại sức mạnh cho sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong 3 thập niên vừa qua. Nhưng kết quả là không khí và nước bị ô nhiễm nặng, và Trung Quốc nay ngang ngửa với Hoa Kỳ trong tư cách là nước thải nhiều khí có hiệu ứng nhà kính nhất.

Ông Tạ Chấn Hoa là phó chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách của Trung Quốc, là cơ quan kế hoạch chính của nước này. Ông nói rằng Trung Quốc đang gia tăng nguồn cung cấp năng lượng sạch để giảm bớt khí thải, nhưng chi phí rất cao.

Ông Tạ Chấn Hoa nói rằng năng lượng có thể tái tạo nay chỉ bằng 8,3% so với năng lượng không tái tạo được. Theo ông Hoa, đến năm 2010 thì tỷ lệ đó sẽ tăng lên được 10% và đến năm 2020 thì sẽ đạt được mức 15%. Ông nói muốn thực hiện được các mục tiêu này, Trung Quốc sẽ cần phải đầu tư hơn 290 tỷ đôla.

Các giới chức Trung Quốc nói rằng muốn giảm thiểu chi phí đó, các nền kinh tế phát triển phải dành ít nhất 7/10 của 1% tổng sản lượng quốc dân của họ để giúp các nước nghèo chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Trung Quốc nhắm mục tiêu giảm lượng khí thải bằng cách cải thiện tiết kiệm năng lượng 20% trước năm 2010, nhưng đã phải chật vật cưỡng lại nhu cầu về điện năng ngày càng tăng. Những loại khí như carbon dioxide thải ra từ than đá đốt hay các loại nhiên liệu hóa thạch khác được cho là nguyên do chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Trung Quốc sắp chủ trì một hội nghị quốc tế cùng với Liên hiệp quốc vào tháng tới bàn về việc chuyển nhượng kỹ thuật 'xanh' và vấn đề biến đổi khí hậu.

Các cuộc thương nghị về Nghị định thư Kyoto do Liên hiệp quốc bảo trợ về việc giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nhà kính sẽ tiếp tục vào tháng Chạp. Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu muốn các nước đang phát triển như Trung Quốc cam kết với các mức trần khí thải.

Nhưng các nước này lập luận rằng mức trần đó sẽ bóp nghẹt các nỗ lực giảm nghèo của họ.