Anh loan báo các biện pháp kích thích kinh tế

Bộ trưởng Tài chính của nước Anh đã loan báo những biện pháp mới trong khuôn khổ của kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 30 tỉ đô la nhắm vực dậy nền kinh tế èo uột trong nước. Các biện pháp này gồm việc giảm thuế và trợ giúp cho các doanh nghiệp, các chủ nhà vẫn còn nợ ngân hàng và các gia đình có lợi tức thấp. Từ London, Thông tín viên Sonja Pace của đài VOA gửi về các chi tiết sau đây.

Trong một phúc trình được nóng lòng chờ đợi cho công bố trước khi có tin chính thức về ngân sách, bộ trưởng tài chính Alistair Darling đã loan báo những biện pháp mới để thúc đẩy kinh tế.

Lên tiếng trước Quốc hội, Bộ trưởng Alistair Darling nói rằng cần phải có ngay những biện pháp để châm thêm tiền vào cho nền kinh tế. Đứng đầu danh sách những biện pháp này là cắt giảm thuế giá trị gia tăng toàn quốc.

Bộ trưởng Darling nói: “Vì thế tôi đề nghị cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 17,5% xuống còn 15% cho đến hết năm tới. Việc cắt giảm này sẽ có hiệu lực vào thứ hai tới, ngày 1 tháng 12.”

Theo ông Darling thì mức thuế được hạ giảm sẽ có hiệu lực cho đến tháng giêng năm 2010. Ông hối thúc các doanh nghiệp phải cho áp dụng ngay đối với giới tiêu dùng càng sớm càng tốt.

Chắc chắn là việc hạ giảm khoản thuế này sẽ được công chúng và các doanh nghiệp tán thưởng nếu như nó khuyến dụ được mọi người đi mua sắm, nhất là vào thời điểm hiện nay đang mùa lễ giáng sinh. Và đó là cái ý chính, cắt giảm thuế, hạ giá bán và đẩy những khoản chiết giảm đó trở lại vào nền kinh tế.

Ông Darling cũng loan báo nhiều biện pháp khác như giảm thuế cũng như những biện pháp khích lệ đối với các doanh nghiệp cỡ nhỏ và trung, giúp các chủ nhà không trả nổi nợ nhà, giảm thuế cho các gia đình thu nhập thấp cùng với việc tăng công chi để xây trường ốc, đường sá và nhà ở.

Và như nhiều người dự kiến, Bộ trưởng Tài chính cũng đề nghị biện pháp tăng thuế đối với những người có thu nhập cao, sẽ có hiệu lực vào năm 2011 nếu đảng Lao động thắng trong cuộc bầu cử tới.

Để có ngân khoản chi tiêu cho kế hoạch kích thích kinh tế này, chính phủ sẽ phải vay tiền và ông Darling cho biết là nợ quốc gia sẽ lên trên 175 tỉ đôla trong năm tới.

Phe đối lập chỉ trích chính phủ gay gắt về vấn đề gia tăng công nợ, và gọi đó là hành động chi tiêu bừa bãi. Tuy nhiên ông Darling nói rằng thời điểm ngoại lệ này đòi hỏi phải có các biện pháp ngoại lệ.

Ông Darling nói: “Quí vị có thể chọn giải pháp cứ để mặt mọi việc, cứ để suy thoái diễn ra, chấp nhận thái độ mặc kệ , để cho các gia đình lâm vào bước đường cùng - đó không phải là kế hoạch hành động.”

Chính phủ Anh đang phải vất vả đối phó với cùng những vấn đề mà các chính phủ trên khắp thế giới cũng đang đối mặt, nhằm giữ cho các định chế tài chính khỏi bị suy sụp, bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế, phục hồi lòng tin của giới tiêu thụ và đồng thời kiềm chế mức công nợ gia tăng.