Bộ Thương Mại Mỹ: Không có bằng cớ hàng dệt may VN bán phá giá

Vào lúc kết thúc các cuộc giám sát sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Việt Nam kéo dài 18 tháng nay, chính phủ của Tổng thống Bush kết luận là không tìm ra được bằng cớ về việc bán phá giá, và không tìm thấy nguyên nhân nào để xúc tiến những vụ điều tra chống bán phá giá.

Tin của Tạp Chí Textile World cho hay trước áp lực của ngành công nghiệp hàng dệt may và may mặc tại Hoa Kỳ và của những người hậu thuẫn cho ngành này tại Quốc Hội Mỹ, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã khởi sự việc giám sát các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngay sau khi Việt Nam được chấp nhận gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Vào lúc khởi sự chương trình giám sát này, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Susan Schwab tuyên bố rằng công cuộc giám sát sẽ kết thúc vào lúc cuối nhiệm kỳ của chính phủ của tổng thống Bush.

Tin nói rằng theo chương trình vừa kể, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ giám sát những món hàng nhập khẩu như quần, áo sơ-mi, đồ lót, đồ bơi và áo len, và đưa ra một bảo báo cáo sau mỗi 6 tháng.

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ so sánh giá của mỗi mặt hàng và mức độ nhập khẩu của Việt Nam với nhiều nước khác trong vùng Trung Mỹ cũng như với các nước Kampuchea, Ấn Độ, Indonesia, Macau, Malaysia, Pakistan, Philippines và Thái Lan.

Khi loan báo kết quả vụ giám sát trong 6 tháng sau cùng, ông David Spooner, phụ tá Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, đặc trách vấn đề nhập khẩu, nói rằng vụ điều tra cuối cùng của Bộ Thương Mại cho thấy giá các sản phẩm của Việt Nam tương đồng, và nhiều khi còn cao hơn giá sản phẩm của các nhà cung cấp chính yếu khác.

Bà Laura Jones, chủ tịch Hiệp Hội Nhập Khẩu Hàng Dệt May và May Mặc của Hoa Kỳ, một tổ chức từ lúc đầu đã chỉ trích chương trình giám sát, ca ngợi kết luận chung cuộc của Bộ Thương Mại Mỹ.

Theo bà, việc ba cuộc giám sát liên tục 6 tháng một lần của chính phủ không tìm ra được một bằng chứng nào về bán phá giá chứng tỏ chương trình giám sát này đáng lẽ ra không nên được mang ra thực hiện ngay từ phút đầu.

Bà tố cáo là chương trình giám sát đã làm giới nhập khẩu thay đổi kế hoạch về nguồn cung cấp hàng, gây thêm phí tổn, làm phương hại tới hiệu năng và cũng chẳng đem lại một đơn đặt hàng hoặc một công ăn việc làm nào cho phía Hoa Kỳ.

Bà Jones kêu gọi chính phủ sắp tới của ông Obama tập trung vào những sáng kiến tích cực, chứ đừng lầm lẫn coi chuyện giám sát như một sự việc thay thế cho những quyết định kinh doanh khôn ngoan.