IMF: Phát triển kinh tế của VN sẽ giảm xuống mức 5% năm 2009

Tại Hội Nghị của nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ cho Việt Nam, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hôm thứ Năm dự đoán là mức phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 sẽ giảm tới mức 5%, tức là thấp hơn chỉ tiêu 6,5% chính phủ Việt Nam đề ra trước đây.

Tin của AP và AFP cho hay năm ngoái, tỷ lệ phát triển kinh tế của Việt Nam là 8,5%, và trong vòng một thập niên, tỷ lệ phát triển này đã đạt được mức trung bình 7%, một trong những mức cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Shogo Ishii, đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tại Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới sẽ xuống còn 5%, và chỉ đạt được mức 6,5% trong năm nay.

Ông Ishii và các nhà tài trợ khác cảnh cáo rằng vì tình trạng kinh tế trên thế giới mỗi ngày một suy thoái, Việt Nam nên biết trước rằng công cuộc xuất khẩu, các khoản đầu tư của nước ngoài và các nguồn vốn sẽ giảm đi. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam vẫn hy vọng đạt được tỷ lệ phát triển 6,7% cho năm nay và 6,5% cho năm tới.

Đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cho rằng tỷ lệ 6,5% này là quá nhiều tham vọng trước những thử thách kinh tế mới mà Việt Nam phải đối phó, trong đó có tỷ lệ lạm phát cao và mức thâm thủng mậu dịch ngày càng lớn.

Theo ông Ishii, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn còn tích cực, nhưng Việt Nam phải thận trọng trong việc đối phó với những thách đố ngắn hạn.

Mặt khác, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tiên đoán rằng Việt Nam sẽ phải cắt giảm lãi suất và mở rộng biên độ hối đoái thêm nữa, nhưng nếu chính phủ thi hành những biện pháp này mau lẹ quá thì đây cũng lại là một điều đáng lo ngại.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tại Việt Nam, hôm thứ Năm cho hay Ngân Hàng sẽ dành cho Việt Nam 1 tỷ 600 triệu đô la trợ giúp trong năm tới, và có thể sẽ giúp đỡ nhiều hơn nữa nếu kinh tế Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng.

Theo tin Reuters, từ tháng 10 năm nay, Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất cơ bản 400 điểm, hạ thấp số dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong nỗ lực ngăn chặn đà suy thoái của kinh tế.

Ông Konishi nói với báo chí bên lề cuộc hội nghị của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam rằng Ngân Hàng thấu hiểu các hành động của chính phủ Việt Nam, nhất là trong lãnh vực chính sách tiền tệ, và chắc chắn Ngân Hàng có thể hậu thuẫn cho Việt Nam.

Ông Konishi tiên đoán rằng Việt Nam sẽ còn cắt giảm lãi suất và mở rộng biên độ hối đoái, nhưng ông hy vọng rằng các hành động này sẽ được thực hiện một cách tuần tự, không quá gấp gáp.

Hội nghị của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ đưa ra con số chính thức về ngân khoản trợ giúp cho công tác phát triển của Việt Nam trong năm tới, nhưng một bản tin của Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam hôm thứ Năm tiên đoán rằng con số này có thể ở khoảng 5 tỷ 200 triệu đô la, tức là giảm đôi chút, so với con số 5 tỷ 400 triệu đô la được cam kết cho năm 2008.