WHO: Chưa biết được mức độ dịch tả hoành hành ở Zimbabwe

Các cơ quan viện trợ của Liên Hiệp Quốc nói rằng Zimbabwe đang vật lộn với cơn khủng hoảng dịch tả ở mức độ chưa từng có. Các cơ quan này nói rằng tình trạng suy sụp của hoạt động y tế và xã hội của quốc gia này khiến cho rất khó thẩm định đầy đủ tình hình dịch bệnh hoành hành tại quốc gia này. Từ Geneve Thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật sau đây.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc về tổng số ca nghi ngờ là bị dịch tả ở Zimbabwe lên gần 14.000 người, với gần 600 bệnh nhân đã thiệt mạng. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, bà Fadela Chaib nói rằng số liệu này cần được ghi nhận với sự thận trọng.

Bà nói rằng phần lớn các ca bệnh và số tử vong được báo cáo là từ thủ đô Harare và 2 thành phố lớn khác.

Bà Chaib nói: “Chúng tôi công bố các số liệu này dựa trên những hiểu biết tối đa mà chúng tôi có được về tình hình tại chỗ. Tuy nhiên, các hệ thống báo cáo và theo dõi trong phần lớn các quận huyện của nước này rất thiếu thốn. Vì vậy sẽ không có gì đáng ngạc nhiên trong trường hợp chúng tôi có thể đi đến các vùng sâu vùng xa, hay khi chúng tôi có được một hệ thống theo dõi hữu hiệu hơn, cho thấy số tử vong nghiêm trọng hơn con số mà chúng tôi đưa ra vào lúc này.”

Bà Chaib nói rằng trong tình hình khủng hoảng, như trong trường hợp đang được phơi bày ra của Zimbabwe, WHO thành lập một hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi dịch bệnh. Bà nói rằng hoạt động của WHO tùy thuộc vào nhân viên tình nguyện, và nhân viên y tế đi đến các bệnh viện và bệnh xá để ghi nhận tất cả các ca bệnh và tử vong.

Tuy nhiên bà nói rằng trong trường hợp của Zimbabwe WHO không thể huy động các nhân viên mà cơ quan cần, để duy trì một hệ thống theo dõi hữu hiệu. Bà nói rằng đó là vì các cơ sở hạ tầng về xã hội và kinh tế của Zimbabwe đã sụp đổ.

Bà Chaib giải thích: “Cơ sở hạ tầng y tế của nước này rất yếu kém, và rất khó tìm được các tiếp liệu hay thiết bị y tế. Nhân viên y tế lại không được trả lương đầy đủ, vì vậy họ bỏ việc, quả thực, là vì các điều kiện kinh tế và xã hội không ngừng xuống dốc. Ngoài ra nhân viên y tế còn tiến hành nhiều cuộc đình công do không được trả lương. Hay nếu như họ được lãnh lương thì lại rất trễ và các điều kiện làm việc lại quá tệ.”

Theo các cơ quan viện trợ Liên Hiệp Quốc thì tình hình Zimbabwe ngày càng tệ hơn trong khi đó hoạt động của các thành phần tội phạm gia tăng. Các cơ quan này nói rằng tình hình an ninh kém, nạn hôi của, cũng như các vụ tấn công, và cướp bóc nhắm vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo đang trên đà gia tăng.

Dịch tả đang hoành hành ở 43 quận trong số 62 quận của Zimbabwe. Thêm vào đó Liên Hiệp Quốc còn cho biết là dịch bệnh này đang lan sang các nước Nam Phi, Botswana và Mozambique.