LS Nam Triều Tiên tìm cách giúp người Bắc Triều Tiên đào tỵ

Một nhóm các luật sư Nam Triều Tiên cho hay họ sẽ làm những gì mà họ có thể làm được để giúp một nhóm người Bắc Triều Tiên đi đào tị bị đưa ra tòa ở Miến Điện về tội di trú bất hợp pháp. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin tường thuật rằng nhóm người này dường như có cả con em của những người Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn và định cư ở thủ đô Nam Triều Tiên.

Hội Luật gia về Nhân quyền của Nam Triều Tiên cho biết sẽ đệ một thỉnh nguyện thư lên toà án Miến Điện, với hy vọng giúp phóng thích 19 người Bắc Triều Tiên đào tỵ đang bị giam giữ ở đó.

Một thành viên trong hội, bà Park Min-jae nói rằng các luật sư sẵn sàng đi Miến Điện, nếu cần.

Bà Park nói rằng vụ xử những người đào tỵ về tội di trú bất hợp pháp đang tiến hành và khó mà tiên đoán được kết quả sẽ ra sao.

19 người Bắc Triều Tiên đào tỵ dường như bị giới hữu trách tại Miến Điện giam giữ nằm trong số những người đã bỏ trốn khỏi tình trạng thiếu thốn và đàn áp chính trị tại nước họ, trong nhiều năm. Những người đào tỵ thường thực hiện chuyến đi đầy hiểm nguy và bất hợp pháp qua Trung quốc để đến các nước ở Đông Nam Châu Á, nơi họ xin tỵ nạn và tìm cách qua Nam Triều Tiên. Bởi vì Trung quốc không thừa nhận những người Bắc Triều Tiên đào tỵ là người tỵ nạn, nhiều người bị cưỡng bách hồi hương để phải hứng chịu sự trừng phạt hoặc ngay cả cái chết.

Ngoài sự khẩn cấp về tình cảm trong vụ này, còn sự kiện là 4 trong số những người đào tỵ dường như là trẻ em có mẹ đã định cư ở Nam Triều Tiên. Một phụ nữ nói hai đứa trẻ là con của bà cho các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên biết là nhóm này đã sắp xếp với một môi giới du lịch bí mật để đi qua Thái Lan. Tuy nhiên, họ đã bị đưa đến Miến Điện thay vì Thái Lan.

Thái Lan được nhiều người coi là một trong những điểm đến thuận lợi nhất về mặt chính trị cho những người Bắc Triều Tiên đào tỵ hy vọng đến được miền Nam. Miến Điến đã tái lập bang giao với Bắc Triều Tiên hồi năm ngoái, và sự kiện này có khả năng gia tăng nguy cơ 19 người đào tỵ bị gửi trả về nước.

Vị luật sư Nam Triều Tiên, bà Park nói rằng các giới chức Nam Triều Tiên đang cố gắng hết sức để giúp nhóm người này. Bà nói số phận của họ nằm trong tay chính quyền Miến Điện.

Bà Park nói rằng trong tư cách một tổ chức phi chính phủ của một nước thứ ba, tất cả những gì mà hội của bà có thể làm được là đưa ra lập luận dựa vào dân quyền. Bà nói, theo luật quốc tế, những người đào tỵ không được hưởng các biện pháp bảo vệ kèm theo quy chế tỵ nạn chính thức.

Khoảng 14,000 người Bắc Triều Tiên đào tỵ đã tái định cư ở Nam Triều Tiên, nơi họ tự động được thừa nhận là công dân theo hiến định. Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết hàng chục ngàn người khác đang sống một cách bất hợp pháp ở Trung Quốc, có lẽ với hy vọng sẽ được hưởng những quyền tương tự.