Hoàng Cầm (1)

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng vơ vẩn đến
Anh đàn em hát níu xuân xanh


Từng lời hát của Tuấn Ngọc cứ như thì thầm mời gọi tưởng chừng như đây là tâm sự của chính anh. Từng chữ, từng lời nghe như một vần thơ do chính anh sáng tác. Và nhạc cũng của anh. Từ nhỏ tôi đã rất thích nghe lẫn cả nhìn anh Tuấn Ngọc. Có một chút gì đó rất sang, rất tĩnh, rất lịch thiệp và rất đàn ông ở nơi anh. Nếu tôi sinh ra làm con gái hoặc thuộc loại thích đàn ông thì chắc chắn tôi đã mê anh như điếu đổ.

Nhưng tiếc là sự thật nó đã không được như thế. Tôi chẳng phải là con gái và anh cũng chẳng phải là tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng mang tên ‘Tình Cầm’ của Phạm Duy. Và đối với những ai để ý đến từng lời ca, tiếng nhạc thì chắc có lẽ họ cũng biết lời của bài hát này thật ra được phổ từ một bài thơ của Hoàng Cầm có cùng tựa đề ‘Tình Cầm’ với những lời thơ giản dị như sau:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Rồi những chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh



Tôi gặp nhà thơ Hoàng Cầm lần đầu tiên ở Hà Nội vào khoảng đầu năm 2006. Lúc ấy tôi vẫn còn làm việc cho trung tâm Asia. Anh Trúc Hồ vừa là nhạc sĩ kiêm giám đốc trung tâm bảo tôi nên về lại Việt Nam xem có tìm được ai để nói chuyện về những ca khúc mà chúng tôi sắp sửa thực hiện trong cuốn DVD kế tiếp hay không.

Tôi nhớ là cho đến ngày ra phi trường tôi vẫn chưa biết mình sẽ gặp được ai hay hỏi được những gì. Không chừng chưa kịp làm được việc thì đã bị câu lưu và trục xuất ra khỏi nước. Tôi nghĩ thế.

Nhưng trời xanh thường chỉ ghen với má hồng mà má tôi thì lại không hồng (chỉ thấy bị rạm đen mỗi khi về Việt Nam!) nên trong suốt khoảng thời gian tôi làm việc cho Asia, mặc dù tôi đã về lại Việt Nam rất nhiều lần và tìm nói chuyện được với rất nhiều người kể cả những người không có thiện cảm gì cho mấy với chế độ hiện tại, tôi cũng đã không bị công an kêu lên hỏi thăm sức khỏe. Hoặc chất vấn tôi về vai trò MC của tôi ở trung tâm và lý do tôi có mặt ở Việt Nam.

Có thể lúc ấy chuyện phỏng vấn các nhạc sĩ, ca sĩ của tôi là chuyện tầm phào không đáng cho họ để ý. Cũng có thể lúc ấy cái tên cúng cơm của tôi chỉ là một cái tên bình thường như bao Việt Kiều khác về lại Việt Nam thăm gia đình, đi du lịch hay chỉ để hỏi vợ.

Hoặc họ chưa kịp theo dõi thì tôi đã xong việc và chuồn ra khỏi nước. (Còn tiếp)