Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ gặp Thủ tướng Miến Điện

Trong một bước tiến tới việc giao tiếp lại với chính phủ quân nhân Miến Điện, các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đã mở các cuộc hội đàm với các giới chức Miến Điện, kể cả thủ tướng nước này. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng dự kiến gặp lãnh tụ phe đối lập của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, theo như bài tường thuật từ Bangkok của thông tín viên VOA Ron Corben.

Trong chuyến đi thăm Miến Điện ở cấp cao nhất từ hơn 1 thập niên, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hôm nay đã gặp thủ tướng Thein Sein tại thủ đô Naypidaw.

Chuyến đi này đánh dấu một bước quan trọng của Hoa Kỳ hướng tới việc giao tiếp lại với chính phủ Miến Điện, sau nhiều năm cô lập chính phủ này.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề Đông Á Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, và người phụ tá là ông Scot Marciel cũng sẽ gặp lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, người đang bị quản thúc tại gia.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng các nhà ngoại giao cần phải hối thúc quân đội phóng thích tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, như một bước tiến tới việc giao tiếp thêm.

Ông Sunai Pasuk là đại diện ở Thái Lan của tổ chức Human Rights Watch.

Ông Pasuk nói: “Hoa Kỳ phải đưa ra các tín hiệu rất rõ ràng rằng chỉ hội kiến bà Aung San Suu Kyi thôi là chưa đủ – đó là một điều tốt nhưng chưa đủ. Cần phải có sự bảo đảm dứt khoát của chính phủ Miến Điện rằng tất cả các tù nhân chính trị – tất cả trong đó có bà Aung San Suu Kyi sẽ được phóng thích ngay tức thời. Thông điệp này cần phải được lập lại bằng lời lẽ mạnh nhất. Đó là điều không thể thương lượng được.”

Hoa Kỳ và các nước Âu Châu lâu nay đã áp đặt các biện pháp chế tài đối với chính phủ quân nhân Miến Điện vì các hành động vi phạm nhân quyền của họ. Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền nói rằng chính phủ đang giam giữ hơn 2,000 tù nhân chính trị.

Ông Sunai nói rằng quân đội sẽ tìm cách kiểm soát các quan hệ với Hoa Kỳ để làm ra vẻ họ không bị chỉ huy bởi các lực lượng bên ngoài.

Ông Sunai nói tiếp: “Ý của chính phủ Miến Điện là chứng tỏ rằng họ sẵn sàng nhượng bộ theo các điều kiện mà họ đặt ra; không phải các nước Tây phương; không phải Hoa Kỳ, không phải Liên Hiệp Quốc hay Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á quyết định các điều kiện giao tiếp, mà vẫn là chính phủ Miến Điện sẽ quyết định khi nào hay nơi nào gặp gỡ và điều gì sẽ đạt được do kết quả mỗi cuộc hội kiến.”

Bà Aung San Suu Kyi hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ, mà Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà cho là đã mở đường cho việc đối thoại vô điều kiện với giới quân nhân.

Thủ tướng Thein Sein mới đây đã tỏ ý cho thấy rằng chính phủ có thể bãi bỏ một số hạn chế đối với bà Aung San Suu Kyi và cho phép bà tham gia vào công cuộc hòa giải chính trị trong nước.

Các phân tích gia khu vực nói rằng chính phủ cần phải phóng thích các tù nhân chính trị và cho phép các tổ chức đối lập đóng một vai trò trong các cuộc bầu cử vào năm tới, nếu muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc bầu cử. Nhưng một số tổ chức nhân quyền cho rằng các cuộc bầu cử nhắm mục đích kéo dài thêm quyền lực của quân đội.