Pháp thoát hiểm trong gang tấc, Ireland trổ tài trên đất khách

Thế là toàn bộ danh sách 32 đội sẽ có mặt tháng 6-2010 ở Nam Phi đã biết rõ. Châu Á và châu Úc có: Úc, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và New Zealand; châu Phi có: Nam Phi, Côte d' Ivoire, Ghana, Cameroon, Nigeria và Algeria; Nam Mỹ có: Argentina, Brazil, Chile, Paraguay và Uruguay; Bắc-Trung Mỹ-Caribê có: Hoa Kỳ, Honduras và Mexico; châu Âu có: Đức, Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Serbia, Slovakia, Thuỵ Sỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Slovenia.

Hôm 18-11, 2 trận gay go nhất là trận Ai Cập - Algeria đấu ở Khartoum - Sudan do tinh thần kỳ thị dữ dội giữa cổ động viên 2 nước, gây nên nhiều xung đột ở Cairo, Alger và cả ở Marseille trên đất Pháp; một số xe cộ và nhà hàng bị đập phá.

Trận gay go thứ hai là trận Pháp - Ireland tại Stade de France - Paris. Pháp thắng Ireland 1-0 trong trận đi ở Dublin, trận về này quyết làm nên chuyện để thoát khỏi cảnh lao đao vất vả suốt mấy tháng nay. Ireland cũng quyết vươn lên với ý chí cao. Trận đấu diễn ra hào hứng, sôi nổi, hồi hộp với nhiều tình huống không ai đoán trước được, tạo nên bàn tán sôi nổi sau trận đấu trong dư luận.

Cuối cùng, Pháp thoát hiểm trong gang tấc, do may rủi, trời cho (!), hơn là do tài năng thật sự.

Pháp với đông đảo cổ động viên áo xanh đậm, vẫy cờ Pháp lớn, ho rèo cổ võ đội nhà, có cả tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng, nghị sỹ đến khuyến khích. Vậy mà phía Pháp từ khi bóng lăn, theo ý định phải sớm ghi bàn làm vốn thì ngược lại, bị đối phương tấn công tới tấp, đành phải giữ thế phòng ngự trong phấp phỏng, lo âu.

Tiếng reo hò của cổ động viên Pháp yếu dần, do thiếu những cuộc lên bóng hào hứng. Đội Ireland càng dẻo dai ép, để đến sau nửa giờ của hiệp một, mở tỷ số tuyệt đẹp do Durff lùi bóng cho Keane sút thẳng cách chừng 6 mét (phút 32). Đội Pháp vất vả chống đỡ, không có đường tấn công sáng tạo, trong khi đội Ireland vẫn tận dụng thể lực tốt, đánh đầu chuẩn để ép thêm, cho đến cuối hiệp một, tỷ số vẫn là 1-0 cho Ireland.

Như vậy tính cả lượt đi (Pháp thắng 1-0) thì 2 bên ở thế cân bằng. Trong giờ giải lao một số nhà bình luận lo cho đội Pháp đang ở thế chống đỡ, phỏng đoán sẽ kéo dài sang 2 hiệp phụ và có thể kéo thêm đến đá luân lưu vào gôn để phân thắng bại. Đá luân lưu thì chính huấn luyện viên Domenech của đội Pháp e ngại.

Bước vào hiệp hai, đội Ireland vẫn giữ thế áp đảo, đưa bóng bổng, dài, nhiều lần uy hiếp khung thành nhưng không dứt điểm. Thủ thành Pháp Lloris cứu nguy 2 quả khá nguy hiểm. Đội Pháp vẫn không tìm ra sơ hở trong thế phòng ngự của Ireland và trước tài đón bóng và bắt bóng dính của thủ thành Given.

Vào đấu 2 hiệp phụ được 10 phút, trong một cú phạt từ xa rót vào phía khung thành, Thierry Henry đứng ngay cạnh cột gôn, gạt sang bên cho Gallas đánh đầu vào gôn. Thế là một cú bất ngờ tai hại cho Ireland. Trước đó bóng đã chạm phải tay Henry, phía Ireland báo ngay cho trọng tài, nhưng trọng tài vẫn cho Pháp thắng, mặc dầu chính Henry thú nhận bóng có chạm tay mình.

Đội Ireland và huấn luyện viên Trappatoni rất kỷ luật và với tinh thần hiệp sỹ, công nhận mình thua, không kiện cáo lôi thôi.

Do đó nhiều báo Pháp nhận xét: Pháp gặp may, có "chuyện kỳ lạ", "thần kỳ" - miracle (!) "trời cho" - tombé du ciel(!); tất cả đều nhất trí là đây là tin mừng lớn cho nước Pháp, nhưng quả thật không tương xứng, thắng không vẻ vang - victoire sans gloire - đội Pháp bị động, lúng túng, chưa tìm ra biện pháp chiến thuật, cần nỗ lực chấn chỉnh gấp chuẩn bị cho vòng chung kết tháng 6 - 2010 ở Nam Phi. Thật là hú vía cho phía Pháp, thoát hiểm chỉ trong gang tấc.

Báo Pháp, Anh, Ý, Tây Ban nha...đều ca ngợi đội Ireland, một đội có lối chơi đồng đội khá gắn bó, chơi bóng xa bóng bổng giỏi, truyền ngắn cũng tốt, có thủ thành tốt, có huấn luyện viên lão tướng "Trap " tài năng.

Đội Ireland từ biệt nước Pháp ngẩng cao đầu, trong tư thế thua mà không đáng thua, được chính người xem bóng đá mến mộ, khen ngợi, do tinh thần thi đấu bền bỉ, tận tuỵ, hoà nhã, kỷ luật. Một đội bóng tuy không đi được Nam Phi nhưng đi được vào lòng quần chúng, và còn có thể đi xa...