Pháp đến World Cup 2010 bằng chiếc vé có dấu tay Henry

Trong số 6 đội tuyển quốc gia chật vật giành được những tấm vé cuối cùng ở các trận đấu trong tuần qua để năm tới đi Nam Phi tranh World Cup, đương kim á quân Pháp đã 'giật' được một chiếc vé bằng bàn thắng gây nhiều tranh cãi xuất phát từ pha chơi bóng bằng tay của Thierry Henry. Pha tiểu xảo của thủ quân đội Pháp bị ngay cả báo chí nước này gọi là 'bàn tay xấu hổ'. Tuy nhiên theo tường trình sau đây của Tấn Chương thì những người am hiểu luật bóng đá cho rằng đó là lỗi của trọng tài, và FIFA không thể đảo ngược phán quyết của trọng tài sau tiếng còi kết thúc trận đấu.

Đội tuyển Pháp của thủ quân Thierry Henry trên hành trình tìm vé đi Nam Phi dự World Cup năm tới chỉ còn là một cái bóng mờ nhạt của đương kim á quân World Cup 2006, cựu vô địch thế giới 1998, và cựu vô địch châu Âu 2000.

Các cầu thủ áo xanh đã chật vật cho đến trận đấu cuối cùng của khuôn khổ các trận vòng loại tranh vé đi Nam Phi, để rồi bị giới hâm mộ trên thế giới xem là đã 'giật' chiếc vé cuối cùng bằng bàn thắng xuất phát từ pha xảo thuật chơi tay của nhạc trưởng Thierry Henry.

Trận lượt đi thắng Cộng hòa Ireland 1-0 trên sân khách chưa bảo đảm cho Pháp chiếc vé đi Nam Phi nếu 'các chú gà trống thành Gôloa không chiến thắng tiếp ở trận lượt về trên sân sân nhà, và là trận vòng loại cuối cùng.

Thế nhưng chỉ đến phút thứ 32 của hiệp một, các cầu thủ Cộng hòa Ireland đã 'buộc' cầu trường sân vận động State de France im bặt bằng pha phối hợp đẹp mắt để mở tỉ số 1-0 cho trận đấu. Đội Pháp đã cố gắng một cách vô vọng để sang bằng tỉ số trong thời gian còn lại của hai hiệp chính.

Trận đấu buộc phải bước sang các hiệp phụ và chuyện tranh cãi đã xảy ra vào phút thứ 103 từ quả đá phạt ở khoảng giữa sân do Florent Malouda thực hiện. Bóng bật đầu Sebastien Squillaci tuôn nhanh về đường biên cuối sân. Thủ quân Henry đã dùng tay chặn bóng rồi chuyền cho Gallas đánh đầu gỡ hòa 1-1.

Trọng tài người Thụy Điển Martin Hansson đã không thấy pha chơi bóng bằng tay của Henry. Và ông đã công nhận bàn thắng cho các cầu thủ Pháp. Pha quay lại của các ống kính truyền hình cho thấy rõ ràng là Henry đã dùng 'kỹ thuật bóng rổ' trong bóng đá. Và hơn nữa cả Squillaci lẫn Henry đều rơi vào thế việt vị khi Malouda thực hiện pha đá phạt.

Chiến thắng chung cuộc của Pháp đã bị dư luận kịch liệt chỉ trích, và 'kỹ thuật bóng rổ' của Henry chịu 'búa rìu' nhiều nhất chứ không phải sơ suất của trọng tài. Ngay cả truyền thông của Pháp cũng dùng từ ngữ nặng nề để mô tả cú chặn bóng bằng tay của thủ quân đội Pháp.

Nói chuyện với đài VOA, ông Hoài Phan, một người Pháp gốc Việt, nói rằng những chỉ trích đối với Henry là quá nặng, vì đó không phải lỗi của Henry.

Ông Hoài Phan nói: "Ở bên này người ta cũng phản đối, chứ không phải dân Tây không phản đối. Ngay cả những chính khách cũng phản đối rằng hành động đó không tốt.

Thierry thừa nhận có đụng tay, chứ không chối là 'không đụng tay', nhưng trọng tài không thổi [phạt], bởi vì nếu trọng tài thổi thì [pha bóng] đã dừng lại ở đó, chứ đâu có diễn biến tiếp được nữa.

Cái đó không phải lỗi của Thierry. Nếu phạm lỗi thì trọng tài phải thổi. Trọng tài không thổi nên Thierry phải tiếp tục công việc của anh ấy, là phải tiếp tục đá [bóng].

Không lẽ Thierry đụng tay rồi chạy đến giơ tay cho trọng tài và hô lên 'tui đụng tay, tui đụng tay rồi'. Có ai [cầu thủ nào] bao giờ mà làm như vậy không? Không.

Hơn nữa trọng tài cũng đâu có hỏi Thierry. Trọng tài ra hỏi trọng tài biên. Trọng tài biên cũng nói là không có.

Bên này internet nói xấu Thierry quá đi. Nào là 'thằng gian xảo', 'thằng ăn cướp, ăn trộm', đủ thứ. Chuyện đó là quá sức. Bây giờ ngày nào báo chí cũng chỉ trích, cũng giễu trên TV. Thấy tội.

Chuyện này đâu có quan trọng bằng trò tiểu xảo của mấy cầu thủ [té trong vòng 16 mét] để tìm penalty, mà không thấy nói gì. Trong khi chuyện này tình cờ lại bị mang ra nói xấu như vậy.

Đây đâu phải là trường hợp đầu tiên đâu. Maradona mới là số một. Ông vua bóng đá Maradona còn cố ý lấy tay [ghi bàn], còn Thierry vô tình. Maradona cố ý mà còn được người ta bỏ qua cho.

Đa số dân Pháp bây giờ thấy [đội tuyển] Pháp được vô World Cup thì cũng hài lòng, nhưng thấy hình ảnh đó thì cũng không đẹp đẽ gì. Được vô, nhưng vô với cái bàn tay.

Người Irland phẫn nộ về kết cục của trận đấu, còn liên đoàn bóng đá nước này đòi FIFA tổ chức lại trận đấu.

Tuy nhiên FIFA đã nhanh chóng bác bỏ yêu cầu này với giải thích rằng không có cơ sở để tổ chức lại trận đấu, và theo quy định của luật trận đấu thì trong trận đấu mọi quyết định thuộc về trọng tài, và quyết định của trọng tài có hiệu lực tối hậu.

Anh Nhiên Phạm, một người yêu thích môn thể thao này, và thường theo dõi các giải đấu quốc tế, nói với đài VOA rằng theo quy định hiện hành thì quyết định của FIFA là đúng vì nếu tổ chức lại trận đấu sẽ gây đảo lộn trong bóng đá.

Anh Nhiên Phạm nói: "Ngay lúc đó mà trọng tài không bắt được thì kết quả ra sao đâu thể đòi đá lại được. Cũng giống như 4 năm về trước khi Materazzi của Ý chọc tức Zidan, để cầu thủ này dùng đầu đánh Materazzi và rồi bị trọng tài đuổi ra khỏi sân. Pháp thua trận [chung kết] đó và không đòi đấu lại trận đó. Mục đích là tranh vé vào World Cup. Henry không cố ý."

Nhiều người Ireland, trong đó có nhà lập pháp Joe McHugh nói Pháp nên nói gương ông Arsene Wenger, huấn luyện viên nổi tiếng người Pháp của câu lạc bộ Arsenal của Anh, đã tự nguyện đấu lại một trận đấu thuộc khuôn khổ giải ngoại hạng Anh mà đội của ông được công nhận một bàn thắng bị coi là không công bằng.

Theo anh Nhiên Phạm thì đó là sự tự nguyện.

Anh Nhiên Phạm nói: "Nếu đội Pháp đồng ý đấu lại thì đó là quyền của họ. Nếu đội Pháp không đồng ý đấu lại, thì đó cũng là quyền của họ. Không có điều gì sai trong cả hai lựa chọn đó."

Tuy nhiên khi nhìn vào 'sổ thông hành' của đội tuyển Pháp đi Nam Phi thì nhiều người thấy trong đó thể hiện rõ lỗi chơi tay cộng với lỗi sơ sót của trọng tài để được chính thức công nhận chiến thắng chung cuộc. Và do đó người Ireland nhận được sự đồng cảm của liên đoàn giáo viên thể dục thể thao Pháp. Tổ chức này lên tiếng rằng những hình ảnh này là một tấm gương xấu cho các em học sinh, và nó liên quan đến 'một triết lý rất hiện đại trong nhiều lãnh vực hiện nay, kể cả thể thao', đó là 'mục đích biện minh cho phương tiện'.