Ấn Độ đề xuất giảm lượng phát thải khí CO2 tới 25%

Ấn Độ đã hứa sẽ giảm mức gia tăng lượng phát thải khí CO2 tới 25% trong thập kỷ tới. Thông báo này được đưa ra tiếp sau các đề xuất tương tự của Trung Quốc và Hoa Kỳ trước khi diễn ra hội nghị Liên Hiệp Quốc ở Copenhagen, Đan Mạch về biến đổi khí hậu. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha, Ấn Độ đã bác bỏ việc chấp nhận một thỏa thuận có tính cách bắt buộc về mặt pháp lý để phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuyên bố Ấn Độ là nước dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Môi trường Jairam Ramesh phát biểu trước quốc hội rằng cho tới năm 2020, nước này sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon tính theo tỷ suất sản lượng kinh tế vào khoảng 20 tới 25% căn cứ vào mức của năm 2005.

Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ không thực sự cắt giảm khí thải mà chỉ đơn giản làm chậm tỷ lệ gia tăng khí thải trong thập kỷ tới.

Bộ trưởng Ramesh nói rằng đây là một mục tiêu tự nguyện và không có tính cách bắt buộc: 'Chúng ta có kế hoạch hành động trong ngành giao thông, công nghiệp, xây dựng, lâm nghiệp và nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế của chúng ta nhằm đảm bảo mức độ cắt giảm mức tăng lượng khí thải từ 20 tới 25% tính từ năm 2005 tới năm 2020'.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ramesh đã cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong lập trường của Ấn Độ. Trước đây, nước này nói không thể đưa ra các mục tiêu cụ thể về chuyện giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ấn Độ chịu áp lực buộc phải thông báo mục tiêu này sau khi Trung Quốc thông báo hồi tuần trước rằng cho tới năm 2020 nước này sẽ giảm gần một nửa lượng phát thải khí CO2 tính trên mỗi đơn vị của tổng sản lượng quốc nội. Trước đó, Hoa Kỳ cũng đề xuất các kế hoạch cắt giảm lượng khí thải CO2.

Nhưng ông Ramesh đã bác bỏ việc chấp nhận các mục tiêu giảm khí thải có tính cách cưỡng hành về pháp lý trong bất kỳ thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen sắp tới.

Ông nói rằng Ấn Độ cũng sẽ không chấp nhận một thời điểm cắt giảm, theo đó tới ngày này, lượng khí thải của nước này ở mức cao nhất: 'Đó là hai mục tiêu hoàn toàn chưa đạt thỏa thuận, và sẽ không có vấn đề thỏa hiệp đối với hai vấn đề bất khả thương lượng này'.

Ấn Độ bất lâu nay đã kêu gọi các nước giàu hỗ trợ tài chính và công nghệ để giảm lượng khí thải CO2. Nước này giờ cho thấy có thể chấp thuận sự thẩm tra về việc giảm khí thải carbon nếu được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ cộng đồng quốc tế.

Lập trường của Ấn Độ đang được chú ý theo dõi vì sự hợp tác của nước này cùng với Trung Quốc được coi là yếu tố sống còn nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như giúp đạt được một thỏa thuận tại các cuộc đàm phán ở Copenhagen. Cả hai nước này đều là các quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới.

Ấn Độ và Trung Quốc cùng với một số các nước đang phát triển khác đã quyết định chấp thuận một lập trường chung tại hội nghị sắp tới.

Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thông báo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, cũng có tin Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đang tính đến việc tham dự hội nghị này.