Hội nghị khí hậu biến đổi toàn cầu khai mạc tại Copenhagen

Vào lúc các giới chức từ hơn 100 quốc gia bắt đầu các cuộc đàm phán ở Copenhagen về một thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu, các nước trong khu vực Sahel đã bị tác động của sự biến đổi khí hậu muốn hội nghị giúp họ thích nghi với việc chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp. Từ văn phòng Tây Phi của đài VOA ở Dakar, thông tín viên Scott Stearns gửi về bài tường thuật sau đây.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu kỳ trước ở Kyoto, Liên hiệp quốc đã thành lập một quỹ để đáp ứng các nhu cầu “cấp thiết và tức thời” của các nước đang phát triển.

Quỹ dành cho các nước kém phát triển nhất đặt 400 dự án biến đổi khí hậu lên hàng ưu tiên. Nhưng 8 năm sau, một cuộc khảo cứu của chính phủ Đan Mạch nói rằng chỉ có một trong số các dự án đó nhận được tài trợ.

Các giới chức cứu trợ ở châu Phi nói rằng hội nghị Copenhagen phải đạt được thành tích tốt hơn trong việc giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển.

Ông Thomas Yanga, người chỉ đạo các hoạt động cho Chương trình Thực phẩm Thế giới ở Tây và Trung Phi nói: "Đối với một số người biến đổi khí hậu là một hiện tượng mới sẽ chỉ tác động đến họ trong tương lai. Nhưng ông Yanga nói rằng nhiều người khác đã phải sống với các hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu từ nhiều năm rồi."

Chẳng hạn như tại các nước thuộc vùng Sahel, là một dải nằm ngay sát sa mạc Sahara về phía nam, ông Yanga nói rằng các cuộc khảo cứu về môi trường từ thập niên 1970 đã cho thấy sự tiến triển liên tục của sa mạc và lượng mưa thất thường gây ra lụt lội và hạn hán.

Ông Yanga nói rằng Chương trình Thực phẩm Thế giới hy vọng hội nghị thượng đỉnh Copenhagen sẽ cứu xét tới các cộng đồng hiện đã phải sống với tác động của sự biến đổi khí hậu và dễ bị tổn thương trước những thay đổi về nếp sống của họ.

Các cuộc nghiên cứu về khía hậu dự đoán rằng sản lượng công nghiệp của các nước trong vùng Sahel có thể bị cắt giảm đến phân nửa vào năm 2020.

Ông Yanga nói một trong các tác động quan trọng nhất của sự biến đổi khí hậu là tình trạng dân chúng dời cư, bỏ những vùng đất mà họ đã sinh sống từ nhiều thế kỷ. Ông cho biết Chương trình Thực phẩm Thế giới đang cố gắng ổn định hóa tác động đối với môi trường của sự biến đổi khí hậu bằng cách trồng cây, làm cho đất đai mầu mỡ trở lại, và quản lý tốt hơn lượng cung ứng nước có giới hạn.

Ông Yanga nói đối với hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, Chương trình Thực phẩm Thế giới đang yêu cầu các nước cấp viện giúp dân chúng sống đàng hoàng bằng cách bảo đảm an toàn lương thực trong những khu vực bị tác động của sự biến đổi khí hậu, nơi tỷ lệ suy dinh dưỡng đã trở nên cao hơn.

Mưa ít tại vùng Sahel trong năm nay có nghĩa là thu hoạch các loại lương thực chính có phần chắc sẽ thấp hơn 1/3 mức bình thường ở Niger, bắc bộ Nigeria, trung bộ Chad và đông bắc bộ Mali và Burkina Faso.