Hoa Kỳ: Khó có ngay sự khai thông với Bắc Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý mọi người chớ nên trông đợi có được khai thông trong chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên của đặc sứ Mỹ Stephen Bosworth nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại với cuộc đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân. Các cuộc thảo luận trong chuyến viếng thăm bắt đầu hôm thứ Ba của ông Bosworth là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên của chính quyền Obama với Bắc Triều Tiên. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông tín viên David Gollust gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Ông Bosworth đang có mặt ở Bình Nhưỡng để xác định xem Bắc Triều Tiên có sẵn sàng quay lại với cuộc đàm phán 6 bên do Trung Wuốc bảo trợ hay không.

Tuy nhiên, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nói rằng: dựa trên thành tích của Bình Nhưỡng về những vấn đề như vậy, có lẽ cần phải thực hiện hơn một vòng thảo luận mới có thể xác định xem cuộc đàm phán - vốn bị bế tắc trong hơn một năm qua, có thể tái khởi động hay không.

Ông Bosworth đã tới thủ đô Bắc Triều Tiên hôm thứ ba với một toán nhân viên liên bộ và đây là chuyến viếng thăm đầu tiên liên quan tới vấn đề hạt nhân của phái đoàn Hoa Kỳ kể từ khi đặc sứ Christopher Hill đến Bình Nhưỡng hồi tháng 10 năm ngoái.

Viên chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tuy có những phát biểu có tính chất hòa dịu của Bình Nhưỡng hồi gần đây, nhưng Washington sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu phúc đáp của Bắc Triều Tiên không có tính chất dứt khoát và cần phải thực hiện thêm những cuộc thương thuyết về việc quay lại bàn hội nghị 6 bên.

Giới chức này nói thêm rằng phái đoàn của đặc sứ Bosworth sẽ bắt đầu thảo luận với các viên chức Bắc Triều Tiên vào tối thứ ba, hội họp trọn ngày trong ngày thứ tư và sang tới ngày thứ tư, phái đoàn sẽ rời Bình Nhưỡng đi Seoul để tham khảo ý kiến với các bên liên hệ trong cuộc đàm phán.

Giới chức này cũng cho biết: vì lý do an ninh, đặc sứ Bosworth sẽ không thông báo về kết quả của chuyến đi Bắc Triều Tiên cho các giới chức của chính quyền Obama cho tới khi ông tới Seoul.

Trước đó, Bắc Triều Tiên cho biết họ muốn thảo luận về một hòa ước với Hoa Kỳ để chấm dứt tình trạng chiến tranh mà trên lý thuyết vẫn còn tồn tại từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ P. J. Crowley tuyên bố tại một cuộc họp báo hôm thứ ba rằng chương trình làm việc của đặc sứ Bosworth chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu xem Bình Nhưỡng có muốn quay lại với cuộc đàm phán 6 bên hay không và có tái khẳng định thỏa thuận đạt được năm 2005 hay không. Theo thỏa thuận vừa kể, Bắc Triều Tiên sẽ tháo dỡ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và những lợi ích về ngoại giao.

Ông Crowley cho biết việc thương lượng về hòa ước có thể được tiến hành trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên.

Ông Crowley nói: "Chúng tôi sẽ trình bày cho họ biết rõ là nếu họ quay lại với tiến trình 6 bên và nếu họ tái khẳng định cam kết trong thông cáo chung năm 2005 thì sẽ có một kênh giao tiếp năng động để thực hiện những cuộc đối thoại song phương về nhiều vấn đề khác nhau. Về vấn đề hòa ước, hiển nhiên là Hoa Kỳ không phải là phe duy nhất của hòa ước đó. Vì vậy điều đó cần phải được thực hiện trong một bối cảnh đa phương."

Bắc Triều Tiên đã đóng cửa khu nhà máy hạt nhân ở Yongbyong và đang chuẩn bị để vô hiệu hóa vĩnh viễn cơ sở này khi cuộc thương thuyết bị đổ vỡ hồi năm ngoái. Sau đó họ trục xuất các thanh sát viên của Liên hiệp quốc, rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên, và tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hồi gần đây những tuyên bố của Bình Nhưỡng đã có phần hòa dịu và họ tỏ ý cho thấy có thể sẽ quay lại bàn đàm phán.

Thứ Hai vừa qua, một giới chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng đặc sứ Bosworth sẽ không đề nghị những biện pháp khích lệ mới để Bình Nhưỡng quay lại bàn hội nghị. Giới chức này cho biết nếu Bắc Triều Tiên nói “không” với ông Bosworth thì điều đó sẽ làm tăng quyết tâm của cộng đồng quốc tế để mạnh mẽ chấp hành các biện pháp chế tài mà Liên hiệp quốc áp dụng đối với Bình Nhưỡng.