Giam cầm bí mật vi phạm Luật Nhân quyền Quốc tế

Giam cầm bí mật vi phạm Luật Nhân quyền Quốc tế

<!-- IMAGE -->

Một cuộc nghiên cứu mới của Liên Hiệp Quốc nói rằng giam cầm bí mật là vi phạm Luật Nhân quyền Quốc tế và không thể được biện minh dưới bất cứ tình huống nào. Phúc trình dài 226 trang của Liên Hiệp Quốc là kết quả của một cuộc nghiên cứu do các chuyên gia độc lập thực hiện. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình từ Genève

Cuộc nghiên cứu phân tích các vụ bắt giữ bí mật trước khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 nhắm vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, về phần lớn trọng tâm của phúc trình là các vụ bắt giữ đã xảy ra trong hơn 9 năm qua, trong cái gọi là Cuộc Chiến chống Khủng bố toàn cầu.

Phúc trình này nêu tên Hoa Kỳ trong số hàng chục quốc gia đã bắt giữ và giam cầm các nghi can khủng bố. Một số nước khác bị tố cáo đã giam giữ các nghi can vì lý do an ninh, hay các thành viên đối lập tại những địa điểm bí mật gồm có: Algeria, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Nga, Sudan và Zimbabwe.

Các nhà điều tra chỉ trích Trung tâm giam giữ ở Vịnh Guantanamo, lẫn các địa điểm mật được thành lập để giam cầm các nghi can khủng bố al-Qaida, qua mặt thẩm quyền tài phán của các tòa án nội địa.

Các tác giả của phúc trình nói rằng Cơ quan Tình báo Trung Ương Hoa Kỳ, CIA, đã thành lập các địa điểm giam cầm bí mật riêng để thẩm vấn các tù nhân được liệt vào thành phần “có giá trị cao”.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói sau khi diễn ra cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, nhiều tù nhân đã bị giam giữ mà không được liên lạc với bên ngoài, bị tước các quyền căn bản là phải được xét xử tại tòa án, quyền có luật sư đại diện, và quyền được liên lạc với gia đình.

Hoa Kỳ không phải là mục tiêu duy nhất bị nhắm chỉ trích trong phúc trình này.

Phúc trình còn nói đã phát hiện ra nhiều nước tại hầu hết mọi khu vực thế giới đã bí mật bắt giữ những người bị tình nghi là khủng bố.

Phúc trình này nói các vụ bắt giữ bí mật nên bị nghiêm cấm một cách rõ ràng, và đề nghị trong những thời kỳ có tranh chấp vũ trang, tất cả các trung tâm giam giữ phải được tiết lộ cho Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ (ICRC) biết.

<!-- IMAGE -->

ICRC, có trụ sở đặt tại Genève, không tham gia cuộc nghiên cứu, và cũng không bình luận gì về nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, hội này đã lặp đi lặp lại nhiều lần quan tâm của họ về các địa điểm giam giữ bí mật.

Phát ngôn viên ICRC, bà Carla Haddad Mardini, nói với đài VOA: “ICRC tin rằng bất cứ địa điểm giam giữ bí mật nào cũng đều trái với luật quốc tế. Bất cứ người nào mà thân nhân không xác định được chỗ ở, đều rơi vào tình trạng cực kỳ lâm nguy. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng bất kể những lý do để bắt giữ một người chính đáng đến đâu đi nữa, thì cũng không có quyền dấu giếm tung tích người ấy. Biết tung tích của một người đang bị cầm giữ là điều hết sức quan trọng, để ICRC có thể thẩm định các điều kiện giam giữ, và cách đối xử, đồng thời tạo điều kiện để người tù được trao đổi tin tức với gia đình và những thân nhân quan tâm đến sự an toàn, cũng như tình trạng an sinh của người này.”

ICRC hoan nghênh ý định của chính phủ Hoa Kỳ thông tin cho ICRC về tất cả các tù nhân đang bị Hoa Kỳ cầm giữ trong bất cứ cuộc tranh chấp vũ trang nào.

Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc cũng hoan nghênh những cam kết của chính quyền Tổng Thống Obama, sẽ đóng cửa các nhà tù của CIA.

Tuy nhiên họ nói họ muốn hiểu rõ những gì đã xảy đến cho những người đã bị giam cầm tại các địa điểm của CIA ở Iraq và ở Afghanistan.

Cuộc nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc nói rằng rất nhiều nghi can bị Hoa Kỳ bắt giữ đã được CIA chuyển đến các nước khác như Ethiopia, Djibouti, Ai Cập, Jordani, Marốc, Pakistan và Syria.

Phúc trình nói những người này đã bị giam cầm tại các địa điểm thay thế, nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ để bị thẩm vấn và để khỏi bị dư luận Hoa Kỳ chất vấn.

Phúc trình đả kích nặng nề các vụ trao tù nhân cho các nước khác giam giữ một cách bất thường, và nói rằng một số tù nhân đã bị gửi đến các nước đồng minh; gồm cả Thái-Lan, Ba Lan và Rumani.

Các điều tra viên nói một số cựu tù nhân được họ phỏng vấn cho biết là đã bị tra tấn và ngược đãi trong thời gian bị giam cầm.