Aleppo có thể bị thất thủ trong lúc Mỹ tập trung vào chiến dịch không kích

Nhân viên cứu hộ chạy tới khu vực bị không kích bằng bom thùng ở thành phố Aleppo, ngày 6/11/2014.

Lực lượng chính phủ Syria tăng gấp đôi cuộc tấn công trên không vào khu ngoại vi thành phố Aleppo hồi cuối tuần trong cố gắng cắt đứt các tuyến tiếp tế cho phe nổi dậy chiến đấu để lật đổ Tổng thống Bashar al Assad.

Các máy bay chiến đấu đã thực hiện một loạt tấn công ở các quận al-Jandoul và al-Castello thuộc thành phố lớn thứ nhì của Syria, đang bị vây hãm 3 mặt bởi lực lượng của chính phủ Syria với các phần tử chủ chiến của nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo nắm một phần rìa phía đông bắc.

Được sự hậu thuẫn của chiến binh Shia từ Iran và Afghanistan, chế độ Syria đã tập trung từ nhiều tuần lễ vào tuyến tiếp tế chính của phe nổi dậy vào Aleppo chạy xuyên qua thị trấn Afrin tiến lên phía bắc đến cửa khẩu biên giới Kilis giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ. Chính thông qua tuyến đường này vào phía tây thành phố, mà phe nổi dậy chở vũ khí, đạn dược, và các thiết bị y tế vào và đưa người bị thương ra để chữa trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự thất thủ Aleppo của phe nổi dậy ở Syria sẽ là một cú đánh mạnh tượng trưng cho cuộc nổi dậy chống ông Assad và sẽ gây một trở ngại tai hại cho phe nổi dậy được phương Tây hỗ trợ đang chiến đấu trên hai mặt trận – chống chính phủ Assad và chống các phần tử thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo, từng được gọi là ISIL, hiện đang kiểm soát các điểm ở đông bắc để xâm nhập Aleppo qua việc chiếm đóng thị trấn al-Bab.

Không lực Syria cũng mở các vụ không kích ác liệt vào al-Bab, thả bom thùng gây thiệt mạng cho 121 người, hầu hết là thường dân, theo Đài Quan sát Nhân quyền, một tổ chức theo dõi có trụ sở ở London ủng hộ phe đối lập, thường dựa vào các nhà hoạt động bên trong Syria để lấy thông tin.

Trong tình hình lực lượng chính phủ Syria làm áp lực mạnh để hoàn tất việc bao vây phe nổi dậy ở thành phố - các phần tử nổi dậy chiếm khoảng một nữa Aleppo – các nhà chính trị đối lập được Tây phương yểm trợ đang gắng sức tìm cách làm trung gian cho một thoả thuận nhằm ngăn chặn một cuộc tranh chấp nội bộ nghiêm trọng giữa các phe phái nổi dậy bùng ra trong tuần rồi.

Họ lo ngại rằng trừ phi phe nổi dậy đoàn kết và khắc phục các vụ tranh chấp, từ các bất đồng về chủ thuyết cho tới những đối đầu về việc ai kiểm soát thị trấn và đường sá nào – thì ông Assad sẽ thành công trong việc bao vây Aleppo và có thể thừa thắng lấy lại các quận đã bị phe nổi dậy chiếm đóng ở thành phố, đánh một cú mạnh làm phe nổi dậy mất tinh thần.

Ông Nasr al-Hariri, Tổng thư ký Liên minh Syria, đã họp hồi cuối tuần với thủ lãnh của 17 phe phái nổi dậy để thảo luận về việc mở các cuộc tấn công ở các tỉnh Aleppo và Idlib nhắm vào các nhóm dân quân Hồi giáo thế tục và ôn hoà nằm dưới sự chỉ huy của Đạo quân Giải phóng Syria được Tây phương yểm trợ.

Tuần trước, các đối thủ thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo thuộc nhóm Jabhat al-Nusra trực thuộc al-Qaida, cùng với các phiến quân Hồi giáo cứng rắn đã đẩy lui các nhóm nổi dậy ôn hoà từ các cứ địa chính ở tỉnh Idlib, và tố cáo họ là “hợp tác với tây phương.” Một trong các nhóm nổi dậy chính ở đầu kia của cuộc tấn công là binh đoàn thế tục Harakat Hazm, tức Phong trào Trung kiên, được Hoa Kỳ tán thành, đã nhận được các phi đạn chống tăng TOW của chính quyền Obama.

Trong một thống cáo, ông Nasr al-Hariri nói: “Chúng tôi lấy làm hối tiếc về cuộc tranh đấu nội bộ và tự hại mình của phe nổi dậy mà người thủ lợi duy nhất chính là chế độ Assad.” Ông nói thêm, “Cuộc cách mạng sẽ chỉ đạt được các mục tiêu đã định khi nào các chính trị gia, các công dân và các phần tử nổi dậy phối hợp các nỗ lực với nhau.”

Nhưng một cấp chỉ huy nổi dậy, ông Abdul Rahman, một viên tư lệnh cấp cao của Jaysh al-Mujahedeen, tức Đạo quân Mujahedeen, với quân số 3 ngàn người, một binh đoàn thiên hồi giáo nổi dậy từ các làng mạc và thị trấn ở miền quê Aleppo, tỏ ý nghi ngờ về việc đạt được một thoả thuận. Ông nói với đài VOA, “Chúng tôi đang gắng sức ngăn chặn cuộc đấu đá nội bộ. nếu không ngăn chặn được, thì ông Assad sẽ khai thác chuyện đó..”

Ông cảnh báo rằng những chia rẽ giữa các phe phái nổi dậy đang trở nên tệ hại hơn và ông lập luận rằng các chia rẽ đó còn trầm trọng thêm vì chiến lược của Hoa Kỳ tập trung cuộc không chiến ở Syria vào Nhà nước Hồi giáo và bỏ qua Assad. Ông lập luận rằng, “Chúng ta chỉ có thể giải quyết tất cả những vấn đề rắc tối này và các cuộc tranh cãi giữa phe nổi dậy, nếu hướng trọng tâm vào Assad.”

Các cấp chỉ huy phe nổi dậy quy lỗi cho chính quyền Obama về quyết định chỉ nhắm mục tiêu vào các phần tử chủ chiến thuộc Nhà nước Hồi giáo, đã chiếm một vạt đất lớn ở đông bộ Syria và tây bộ Iraq, trong khi loại trừ biện pháp chống lại chế độ Assad. Khi loan báo hồi tháng 9 về sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Iraq và Syria, Tổng thống Obama nói mục tiêu là “hạ giảm khả năng và cuối cùng đánh bại” nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.

Đặc sứ của ông Obama tiếp xúc với phe nổi dậy Syria, Tướng John Allen, mới đây gợi ý rằng chính quyền Obama không nghĩ rằng có thể có một giải pháp quân sự cho cuộc nội chiến ở Syria, hiện đang bước qua năm thứ tư. Ông nói kế hoạch của Mỹ là đào tạo và trang bị cho chiến binh được Tây phương yểm trợ trở thành một lực lượng đáng tin cậy có thể buộc chế độ Assad phải thương lượng một thoả thuận chính trị để chấm dứt xung đột.

Các nhận định đó gây bất bình trong giới chỉ huy phe nổi dậy. Họ cảnh báo rằng cuộc đấu tranh nội bộ chống lại hàng ngũ manh mún của phe nổi dậy – từ những người ôn hoà cho đến các phần tử hồi giáo cứng rằng và các chiến binh của Jabhat al-Nusra – nếu không kiểm soát được, sẽ đưa đến hậu quả là sự tan rã hoàn toàn các lực lượng hồi giáo thế tục và ôn hoà. Sự kiến ấy sẽ không để lại được điều gì để xây dựng cho các lực lượng Hoa Kỳ và Ả Rập, là bên nói cho biết dự định huấn luyện 5.000 chiến binh nổi dây mỗi năm.

Nhóm ủng hộ chính trị được Tây phương hậu thuẫn là Liên minh Syria đã kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp vào lúc này, khi vấn đề là Aleppo với các cuộc không kích để đẩy lui các mưu toan của chế độ nhằm bao vây thành phố. Tuy nhiên, một biện pháp như thế sẽ mở rộng sự can dự của Hoa Kỳ và phương Tây trong vụ xung đột, là điều mà các giới chức Hoa Kỳ nói là họ không muốn làm.

Một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không muốn nêu danh tính nói, “Phe nổi dậy phải tự điều chỉnh. Chúng ta đã cố gắng từ trước giúp họ hình thành một lực lượng thống nhất, và hợp lý nhưng lần nào cố gắng đó cũng sụp đổ”.