ASEAN muốn có hiệp ước bất tương xâm với Trung Quốc

Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Đông Nam Á sẽ tìm cách thảo luận càng sớm càng tốt về một hiệp ước bất tương xâm với Trung Quốc nhằm ngăn ngừa những cuộc xung đột tại Biển Đông và chắc chắn sẽ không chỉ trích những hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp trong một hội nghị thượng đỉnh cuối tuần.

Một dự thảo thông cáo chung sơ khởi sắp được Ngoại trưởng các nước ASEAN công bố mà AP có được ngày 2/8 cho thấy các Bộ trưởng sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cao cấp ngay tức thì mở các cuộc thảo luận về Bộ Qui tắc Ứng xử Biển Đông sau khi chính phủ các nước đã đồng ý về một khung làm việc với Trung Quốc vào tháng 5 năm nay.

Cuộc tranh chấp dai dẳng tại Biển Đông cùng với những vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên, và sự nổi dậy của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo trong vùng chắn chắn sẽ nổi bật trong các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng các nước ASEAN và những người đồng nhiệm châu Á và Phương Tây tại Manila bắt đầu vào ngày 5/8.

Ông Robespierre Bolivar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, mô tả những tiến bộ ban đầu sau nhiều năm nỗ lực của các nước ASEAN thương thuyết về một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc là “một bước rất dài.”

Các chỉ trích nói rằng khung làm việc chỉ được sử dụng như là một phác họa về những nguyên tắc đã được đồng ý trước đây và không đề cập đến những quan ngại về các đảo nhân tạo của Trung Quốc hay phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi năm ngoái rằng đòi hỏi của Trung Quốc đòi toàn bộ chủ quyền trên Biển Đông là vô giá trị. Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của Tòa án trọng tài căn cứ trên Công ước về Luật Biển 1982.

Bản sao cuối cùng của khung làm việc AP thấy được cũng không đề cập đến Bộ Qui tắc Ứng xử có hiệu lực cưỡng hành pháp lý hay không, điều mà hầu hết các nước ASEAN đều muốn nhưng Trung Quốc phản đối, cũng không nhắc tới phạm vi của khu vực tranh chấp áp dụng qui tắc ứng xử, đồng thời cho thấy Bộ qui tắc sẽ không được dùng như là một công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Trong những cuộc thảo luận, một số nước ASEAN đề nghị một số nội dung nhưng không được đồng thuận, chẳng hạn như đề nghị của Việt Nam về một “cơ chế giải quyết tranh chấp” trong trường hợp tranh chấp xảy ra trong tương lai, theo một phúc trình của ASEAN đính kèm.

Dự thảo thông cáo chung, có thể mở rộng thêm nữa với ý kiến của các nước thành viên ASEAN khác, cũng không đề cập đến quan ngại về các đảo nhân tạo của Trung Quốc với một hệ thống phòng thủ phi đạn được bố trí trên đảo. Những quan ngại như vậy đã xuất hiện trong những tuyên bố chung trước đây của ASEAN.