Úc thảo luận về việc lập nơi chứa chất phế thải phóng xạ

Úc thảo luận về việc lập nơi chứa chất phế thải phóng xạ

Sự chống đối đang gia tăng đối với kế hoạch của chính phủ Australia muốn lập khu phế thải hạt nhân đầu tiên trong vùng đất của người bản địa tại lãnh thổ phía bắc nước này. Các tổ chức người bản thổ hôm nay tề tựu tại một cuộc họp công khai để thảo luận về các đề nghị gây nhiều tranh cãi này. Chính phủ liên bang Úc đã xác nhận một trại chăn cừu ở phía bắc Tennant Creek có thể được chọn làm địa điểm. Kế hoạch này đã gây ra chia rẽ nghiêm trọng trong cộng đồng dân bản địa. Từ Sydney, Thông tín viên đài VOA Phil Mercer gửi về bài tường trình sau đây.

Trong 6 năm sắp tới, chất phế thải hạt nhân mà Australia đưa sang châu Âu để tái chế biến sẽ bị trả về khi các hợp đồng với các cơ sở ở Pháp và Ireland hết hạn. Các giới chức chính phủ ở Canberra vẫn chưa quyết định là số lượng chất phế thải đó sẽ được đem đi đâu.

Trại chăn nuôi Muckaty là một cơ sở biệt lập ở cách Tennant Creek trong vùng Northern Territory của Australia 120 kilomet đã được xác nhận là địa điểm có thể được chọn. Người bản thổ ở địa phương này đã đề nghị bán trại này với giá 11 triệu đôla. Hành động vừa kể khiến cho các nhóm dân bản thổ khác trong vùng phẫn nộ. Các nhóm này chống đối vì lý do liên quan đến sức khỏe và môi trường.

Những quan điểm đối nghịch đó, theo dự kiến, sẽ va chạm nhau tại cuộc họp công khai tại Tennant Creek, một thị trấn khai thác mỏ vàng xưa kia ở phía nam Darwin.

Thượng nghị sĩ Scott Laudlam, thuộc đảng Xanh của Australia nói rằng kế hoạch lập một nơi chưa chất phế thải phóng xạ trong khu vực vừa kể đã gây ra sự chia rẽ cực kỳ giữa các nhóm dân bản thổ.

Ông Laudlam nói: “Kế hoạch đó đã tạo ra sự chống đối giữa các gia đình và chính phủ chẳng màng đến chuyện tìm cách đưa các cộng đồng xích lại gần nhau như một tập thể chung. Họ đã chỉ chọn một nhóm người, lấy một số chữ ký rồi bây giờ sẽ tìm cách buộc họ phải thực thi việc này. Chúng ta đã từng có một lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân nhỏ năng suất 10 megawatt tại Úc từ cuối thập niên 1950. Ngành công nghiệp này và chính phủ chẳng khi nào quan tâm đến chuyện điều tra tình trạng xử lý các chất phế thải đó. Và giờ đây, năm 2010, họ lại cuống cuồng đi thăm dò để tìm ra một cộng đồng dân bản thổ chịu hứng nhận cái di sản chất phế thải của mấy thập niên qua.”

Chính phủ Australia nói rằng trại Muckaty sẽ được đặt dưới sự đánh giá kỹ lưỡng về khoa học và môi trường. Các vị bộ trưởng đã tỏ ý cho biết cơ sở chứa chất phế thải hạt nhân sẽ không được thiết lập nếu các chủ đất phản đối.

Những người chỉ trích tin rằng mấy trận độïng đất hồi gần đây tại vùng Northern Territory đã nêu ra nghi vấn về sự an toàn của địa điểm này.

Đảng Xanh của Australia cho biết nên chứa chất phế thải phóng xạ tại một cơ sở duy nhất của nước này là khu vực ngoại ô của thành phố Sydney.

Ngành công nghiệp hạt nhân còn non trẻ của Úc đang vận động chính phủ xây 10 nhà máy điện hạt nhân trước năm 2030 để đối phó với mối lo ngại về biến đổi khí hậu và tình trạng nước Úc phải dựa vào sự cung ứng của loại than đá rẻ tiền để sản xuất điện.

Khoảng 400 lò phản ứng hạt nhân đang được sử dụng trên thế giới. Tại châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Pakistan và Đài Loan đã sử dụng công nghệ hạt nhân trong khi Indonesia và Thái Lan đang có tham vọng gia nhập vào chiều hướng này.