Bà Yingluck đòi làm thủ tướng tạm quyền cho tới khi bầu cử

Trong lúc Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra rời bục phát biểu, các nhà báo trông thấy bà ứa nước mắt.

Chính phủ Thái Lan lại một lần nữa bác bỏ những yêu cầu của các lãnh tụ biểu tình đòi chính phủ giải tán để nhường chỗ cho một hội đồng được chỉ định để lãnh đạo đất nước. Từ Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.

Một ngày sau khi bà Yingluck Shinawatra giải tán quốc hội và quyết định tổ chức bầu cử trước hạn kỳ, nhiều người đã nhận ra những dấu hiệu cho thấy bà đang cảm thấy rất mệt mỏi vì những vụ xuống đường biểu tình chống lại chính phủ bà trong nhiều tuần qua.

Trong một phát biểu ngắn, bà Yingluck đã kêu gọi mọi người thông cảm là bà phải làm Thủ tướng tạm quyền cho tới khi cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 2 tháng 2, bất chấp những đòi hỏi của phe đối lập là bà phải ra đi ngay lập tức.

Bà Yingluck nói rằng bà đã nhượng bộ tới chỗ mà bà không biết làm thế nào để nhượng bộ thêm nữa. Bà nói rằng bà cũng muốn được đối xử một cách công bằng.

Trong lúc bà rời bục phát biểu, các nhà báo trông thấy bà ứa nước mắt.

Bên ngoài Câu lạc bộ Quân đội, nơi bà họp với các thành viên nội các, những người biểu tình tiếp tục đòi bà từ chức.

Một ngày trước đó, hơn 150.000 người đã tuần hành tới khu trụ sở chính của chính phủ để phản đối điều mà họ cho là một chính phủ bất hợp pháp nằm dưới sự khống chế của anh của bà Yingluck là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin tiếp tục sống lưu vong để tránh thọ án tù hai năm về tội tham nhũng.

Trong lúc chính phủ thực hiện những công tác để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy hai tháng nữa, những đối thủ của bà Yingluck tiếp tục đòi thay chính phủ hiện nay bằng một nhóm người không do dân bầu ra và được gọi là “hội đồng nhân dân”.

Là một trong những nước Đông Nam Á có nền chính trị tương đối cởi mở, vụ giằng co chính trị hiện nay ở nước này đã tạo ra những mối quan tâm ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phổ biến một thông cáo để ủng hộ tiến trình dân chủ, kể cả bầu cử. Phát ngôn viên Jen Psaki nói rằng Washington muốn tình hình được giải quyết mà không xảy ra thêm những vụ bạo động.

"Trọng tâm của chúng tôi ở đây là tiếp tục khuyến khích cho một giải pháp hòa bình đối với những gì đang xảy ra ở Thái Lan và đương nhiên chúng tôi đã và đang theo dõi sát tình hình, như quí vị có thể thấy qua thông cáo của chúng tôi. Nhưng không có hàm ý nào về sự ủng hộ cho bất kỳ bên nào hay bất kỳ việc gì như vậy cả."

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng bày tỏ sự ủng hộ cho cuộc bầu cử ở Thái Lan.

Ông Hồng nói rằng “với tư cách của một nước láng giềng hữu nghị, Trung Quốc hy vọng cuộc bầu cử sẽ được xúc tiến một cách suôn sẻ” và muốn thấy “tất cả các bên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp”.

Hiện chưa rõ các đảng đối lập có tẩy chay cuộc bầu cử mà họ đang ở trong vị thế hạ phong hay không.

Một trong các nhân vật lãnh đạo biểu tình, ông Suthep Thaugsuban, đã từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ. Ông đòi các công chức báo cáo với nhóm biểu tình thay vì báo cáo cho chính phủ. Chính khách đối mặt với cáo trạng nổi loạn này cũng hô hào cho việc thành lập các lực lượng an ninh tình nguyện tại các khu xóm để thay cho cảnh sát, là những người mà ông xem là tham nhũng và muốn bảo vệ cho chính quyền.

Biểu tình chống chính phủ gia tăng tại thủ đô Bangkok