Bắc Hàn, 'trắc nghiệm ngoại giao' của Tổng thống Trump  

Ảnh lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ngày 15/4/2017, ở Bình Nhưỡng (bên trái), và Tổng Thống Donald Trump ở Washington ngày 29/4/2017.

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với thách thức về chính sách đối ngoại lớn nhất của ông tính cho tới nay, là làm thế nào đối phó với một nước Bắc Triều Tiên có khả năng hạt nhân. Ông phải trải qua cuộc trắc nghiệm này trong bối cảnh kết quả các cuộc thăm dò hồi gần đây cho thấy vị thế chính trị của ông Trump ở trong nước đã suy yếu vì những sự hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông Trump giữa lúc nghị trình đối nội của ông vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Trong khi Tổng thống Trump đang đương đầu với cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại đầu tiên của ông, phần lớn mọi sự chú ý đều dồn vào lời cảnh cáo thẳng thừng của ông đối với Bắc Triều Tiên.

Ông Trump tuyên bố:

"Họ (Bắc Triều Tiên) sẽ đối mặt với ‘hỏa lực và thịnh nộ’ và thẳng thừng mà nói, sức mạnh áp đảo theo kiểu mà thế giới chưa từng chứng kiến."

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Bill Richardson nói những phát biểu của ông Trump thật là đáng tiếc. Ông nói thêm:

"Nhưng giờ tôi nghĩ Tổng thống có một cơ hội để tập hợp dân chúng, để trình bày với đất nước về chính sách của ông là gì, và quan trọng hơn hết, để xoa dịu tình thế."

Người Mỹ đã quen với những lời lẽ có tính khoa trương của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái. Nói chuyện với VOA qua Skype, nhà phân tích chính trị Larry Sabato nói bây giờ ông là Tổng thống, thì phải tuân thủ một chuẩn mực khác.

“Ông ấy rất bốc đồng, tôi đoán bạn có thể lập luận rằng điều đó có thể là một ưu điểm khi ở nước ngoài những kẻ thù và đối thủ của chúng ta nghĩ họ đang phải đối phó với một người không thực sự có đầu óc tỉnh táo. Nhưng mặt khác, khi phải đối mặt với vũ khí hạt nhân, thì theo tôi, vì lợi ích của tất cả mọi người, kể cả Mỹ, phải có một người có đầu óc tỉnh táo”.

Nhưng những người bênh vực ông Trump nói rằng lời cảnh cáo thẳng thừng của ông Trump là điều mà những người ủng hộ ông trông đợi.

Ông Sebastian Gorka, cố vấn của ông Trump:

"Đây không phải là Nhà Trắng của ông Obama, mà là Nhà Trắng của ông Trump. Chúng ta không nói trước với ai chúng ta sẽ làm gì, nhất là nếu họ là kẻ thù của chúng ta."

Thách thức liên quan tới Bắc Triều Tiên xảy ra vào lúc kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ tán thành ông Trump trong vai trò Tổng thống ở trong nước đã giảm xuống một mức thấp kỷ lục mới, thậm chí trong nội bộ thành viên đảng Cộng hòa.

Ông Larry Labato thuộc Đại học Virginia nói với VOA qua Skype:

"Ban đầu, đa số những người đã bầu cho ông Trump mạnh mẽ ủng hộ ông, và triệt để tán thành ông trong vai trò Tổng thống. Bây giờ trong hầu hết các cuộc thăm dò, mức độ tán thành ông đã giảm xuống, chỉ còn từ 17 đến 24%."

Ông Trump đang đối mặt với tình huống các chính sách nội bộ của ông bị đình trệ, và thường xuyên trở về với thành phần ủng hộ nòng cốt của mình để lấy lại tinh thần, như đã làm gần đây ở West Virginia. Nhà phân tích Jeremy Mayer nói với VOA qua Skype rằng việc ông Trump dựa vào giới ủng hộ viên nòng cốt, không có gì đáng ngạc nhiên.

"Theo các chuẩn mực bình thường của một tổng thống, ông Trump đang thất bại. Nhưng ông ấy không phải là một tổng thống bình thường, và đối với thành phần ủng hộ ông, sự kiện ông hầu như đả phá mọi thứ, lại chính là điều mà họ ưa thích."

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đại đa số người Mỹ coi Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Chỉ có khoảng 1/3 trong số những người được hỏi nói họ tin vào khả năng của Tổng thống Trump có thể đối phó với tình hình.