Báo động về tác hại của CO2 đối với đại dương và trái đất

Khoa học gia Sophie Chu.

Lâu nay các nhà khoa học biết rằng các đại dương trên thế giới đóng một vai trò lớn đối với khí hậu vì chúng hấp thụ khí CO2, cả lượng khí tự nhiên lẫn lượng khí carbon mà chúng ta thải ra bầu khí quyển thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng một số nghiên cứu mới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tất cả những tác hại của carbon đối với đại dương.

Những phát hiện mới do nhóm khoa học gia thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Hải dương học Woods Hole nghiên cứu được công bố trên ‘Tạp chí Nghiên cứu Địa Vật lý: Đại dương.’

Khoa học gia dẫn đầu cuộc nghiên cứu, bà Sophie Chu từ MIT và nhóm của bà thoạt tiên đi vào vùng Đông Bắc Thái Bình Dương để kiểm tra xem bao nhiêu carbon trong nước làm ảnh hưởng đến loài động vật chân cánh trông như ốc biển và sên biển. Họ chọn khu vực này bởi vì, theo khoa học gia Chu, đây là đoạn kết của hệ thống tuần hoàn đại dương trên thế giới và chứa rất nhiều carbon tự nhiên của đại dương. Bà Chu nói ‘Điều này khiến Thái Bình Dương có lượng carbon cao và độ pH thấp.’ Độ pH càng thấp thì nước biển càng nhiều tính acid hơn.

Quan tâm của toán nghiên cứu là lượng carbon quá mức và nồng độ acid cao hơn trong đại dương có thể làm giảm hàm lượng một khoáng chất gọi là aragonit vốn cần thiết cho lớp vỏ của nhiều loài sinh vật biển. Và điều này không tốt cho loài động vật chân cánh. Nhưng công trình của họ cũng cho thấy đại dương hấp thụ lượng carbon do con người thải ra bao nhiêu.

Khi so sánh các con số, họ phát hiện rằng ở phía Bắc, lượng CO2 được các đại dương hấp thu đang tăng lên, với tỷ lệ tương tự như lượng CO2 con người đang bơm vào khí quyển, gọi là lượng phát thải do con người gây ra. Bà Chu nói ‘Kể từ Cách mạng Công nghiệp, đại dương đã trở thành những bể chứa lượng phát thải do con người gây ra. Hiện giờ, nó chứa khoảng 1/4 đến 1/3 lượng khí thải do con người gây ra từ bầu khí quyển.’

Công trình nghiên cứu này cho thấy rằng đại dương trong thời điểm này có thể liên tục hấp thụ lượng carbon thừa thãi mà chúng ta trút vào khí quyển. Nhưng bà Chu lưu ý, việc này không thể tiếp tục mãi mãi.

Bà nói: ‘Các đại dương sẽ phải mất hàng trăm ngàn năm để có thể hấp thụ phần lớn lượng khí CO2 mà con người đã thải vào khí quyển.’ ‘Và tốc độ phát thải của chúng ta hiện nay là quá nhanh, không gì có thể đuổi kịp.’

Và điều đó có nghĩa là sẽ có lúc các đại dương sẽ hết công suất. Bà Chu nói: ‘Chúng tôi dự kiến sẽ có lúc mức hấp thụ, lưu trữ của đại dương sẽ chậm lại. Khi đó, sẽ có nhiều CO2 lưu đọng trong khí quyển hơn, nghĩa là trái đất sẽ nóng lên hơn. Cho nên, quan trọng là chúng ta phải tiếp tục để mắt đến tình trạng này.’