Bất hòa Thổ - Hà Lan ảnh hưởng hồ sơ gia nhập EU

Tổng thống Thổ Nghĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo ở Istanbul, 12/3/2107.

Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trực tiếp cãi vã với Hà Lan, làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng giữa Ankara với Liên hiệp Âu châu. Tổng thống Erdogan thề sẽ trả đũa đích đáng vụ chính phủ Hà Lan không cho phép các bộ trưởng của ông đến Hà Lan dự một cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hy vọng thu hút được nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu đứng về phía Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Các nhà lãnh đạo châu Âu phần lớn chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý với mục tiêu sẽ cho phép tổng thống độc tài của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều quyền lực hơn. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường trình rằng:

Những người ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước Lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul hôm Chủ nhật, thể hiện giận dữ đối với quyết định của chính phủ Hà Lan. Hà Lan đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15 tháng 3, và các giới chức lo rằng các cuộc biểu tình phản đối của người Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thúc đẩy những người Hà Lan theo chủ trương dân tộc.

Tổng thống Erdogan ví Hà Lan như Phát xít Đức khi không cho phép hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan.

Ông nói: "Phát xít có nghĩa là điều tôi làm là đúng, và tôi chỉ cho phép những gì tôi muốn, khi nào tôi muốn, và những người đó đã đi quá xa với hành động đóng cửa lãnh sự quán của chúng tôi."

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói phát biểu của ông Erdogan đầy “khích động”:

"Đất nước này, như thị trưởng Rotterdam phát biểu hôm qua, bị Đức Quốc xã đánh bom trong Thế chiến thứ II. Phát ngôn theo lối đó là hoàn toàn không chấp nhận được."

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO nhưng tiến trình xin gia nhập Liên hiệp châu Âu của nước này kéo dài vì nhiều trở ngại. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU đã xấu đi sau khi chính phủ của ông Erdogan mạnh tay trấn áp những người bị nghi có liên hệ với cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái. Cuộc cãi vã với Hà Lan hiện nay có thể khiến cho hồ sơ xin gia nhập EU càng khó tiến triển.

Ông Peter Eltsov của Đại học Quốc phòng nhận định rằng "Nga là nước duy nhất hưởng lợi từ tất cả những chuyện này."

Giáo sư Eltsov, giảng dạy môn quan hệ quốc tế, nói với đài VOA rằng Nga đang tìm cách làm suy yếu Liên hiệp Âu châu và NATO, và tăng ảnh hưởng của Moscow trên trường quốc tế.

Moscow và Ankara xung khắc với nhau sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga ở Syria vào năm 2015 và vụ một người Thổ Nhĩ Kỳ sát hại đại sứ Nga ở Ankara hồi tháng 12. Nhưng kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã gặp gỡ nhau ba lần trong nỗ lực khôi phục các mối quan hệ.

Nhà lãnh đạo Nga nói: "Chúng tôi tận tâm đưa mối quan hệ đặc biệt và lịch sử giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lên một tầm cao mới."

Các nhà phân tích nói việc kéo một đồng minh NATO ra xa Liên hiệp Âu châu sẽ là một "cuộc đảo chính” trong mưu đồ nâng cao vị thế cho Nga của ông Putin.