Biden kêu gọi đồng minh khởi động tuần lễ quan trọng về ‘chiến lược Ukraine của phương Tây’

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden ngày 21/3 điện đàm với các đồng minh quan trọng châu Âu trước khi tham dự thượng đỉnh NATO và EU, tiếp theo một chuyến đi Ba Lan, một tuần lễ quan trọng cho việc đáp trả của phương Tây đối với việc Nga xâm lược Ukraine.

Tòa Bạch Ốc nói ông Biden điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson “để thảo luận về những đáp ứng phối hợp của họ đối với cuộc tấn công không bị khiêu khích và không biện minh được vào Ukraine của Nga.”

Đây là việc khởi động một chuyến đi nước ngoài có tầm quan trọng lớn nhất cho tới nay trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, với thượng đỉnh vào ngày 24/3 tại Brussels và thảo luận với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, trên tuyến đầu của cuộc đối đầu của phương Tây với Nga vào ngày 26/3.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tháp tùng Tổng thống Joe Biden tuần này để thảo luận tại trụ sở NATO ở Brussels và tại Ba Lan vào lúc đồng minh đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Ngũ Giác Đài nói ngày 21/3.

Cuộc chiến tranh của Nga sắp bước vào tháng thứ Hai và Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt những chế tài chưa từng có trước đây đối với Moscow, làm tê liệt đồng rúp và thị trường chứng khoán, trong khi cũng theo vết truy đuổi những người ủng hộ giàu có của Tổng thống Vladimir Putin.

Tại Ukraine, vũ khí được phương Tây cung cấp, cùng với nhiều năm huấn luyện và tài trợ, đã giúp cho quân đội nước này gây nhiều thương vong cho đội quân xâm lược Nga trên nhiều mặt trận.

Tuy nhiên, với cuộc chiến bắt đầu được xem trong tình trạng trì trệ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày càng kêu gọi khẩn thiết phương Tây làm nhiều hơn nữa.

Những quyết định khó khăn

Những bước thêm vào này, có thể diễn ra như thế nào, vẫn còn xa mới rõ ràng, khi ông Biden và các đồng minh châu Âu suy nghĩ cẩn thận về những kết quả chế tài đối với Nga và khả năng nguy hiểm của một cuộc chiến lan rộng hơn nếu họ mở rộng trợ giúp quân sự cho Ukraine.

Một lỗ hổng lớn cho chế độ chế tài là Trung Quốc, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc kinh ngay cả từ chối lên án đồng minh Nga và gần hai giờ thảo luận giữa ông Biden và người tương nhiệm Tập Cận Bình vào ngày 18/3 dường như đưa đến kết quả là không có thay đổi gì cả.

Mỹ và Anh đã loan báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Một lệnh cấm rộng rãi hơn của các nước EU sẽ đánh dấu một cuộc leo thang khổng lồ làm tổn hại Moscow cũng như người tiêu dùng phương Tây.

Một cuộc cấm vận dầu rộng rãi “sẽ làm thiệt hại mọi người” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo.

Cũng không có một con đường dễ dàng để tăng cường đáng kể quân đội Ukraine.

Ông Zelensky đang khẩn nài có thêm những trang cụ mạnh mẽ vượt quá những rốc-kết chống tăng và tên lửa Stinger dùng bắn máy bay bay thấp rất hữu hiệu nhưng có giới hạn.

Tuy nhiên ông Biden cương quyết bác bỏ lời kêu gọi NATO của ông Zelensky áp đặt vùng cấm bay, nói rằng việc này sẽ đòi hỏi Mỹ gây chiến với Nga.

Đồng minh cũng vấp phải một đề nghị không được chuẩn thuận của Ba Lan, là kêu gọi gởi máy bay MIG-29 do Nga chế tạo đến Ukraine qua một căn cứ không quân của Mỹ. Washington nói việc này cũng gây nguy cơ là Nga tuyên bố là NATO chính thức lâm chiến.

Hiện nay, đang có thảo luận ngày càng tăng là cung cấp cho Ukraine loại công nghệ có nguồn gốc Nga là hệ thống chống máy bay S-300. Đây là một bước lớn cho lực lượng phòng thủ Ukraine, vì tên lửa có thể bắn trúng máy bay bay cao.

Slovakia nói muốn cấp vũ khí nước này có cho Ukraine, nhưng chỉ khi nào NATO cung cấp thay thế cho việc phòng thủ của nước này.

Một điều ông Biden sẽ không làm trong tuần này, Tòa Bạch Ốc nói, là làm một chuyến đi nguy hiểm nhưng biểu tượng to lớn đến Kyiv.

Cũng vào ngày 21/3, các nước Liên hiệp châu Âu cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine, nhưng dường như không áp đặt các chế tài mới lên Moscow dù có những lời kêu gọi trên toàn châu Âu qui trách nhiệm cho những người tấn công vào thường dân.

Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrel nói trước khi ông chủ tọa hội nghị 27 ngoại trưởng của khối tại Brussels là “những gì xảy ra tại Mariupol là một tội ác chiến tranh rộng lớn. Phá hủy mọi sự, oanh tạc và giết hết mọi người là một hành vi không phân biệt. Điều này thật là khủng khiếp.”

Tuy nhiên việc áp đặt một vòng chế tài mới lên Nga — phong tỏa tài sản và cấm du hành — dường như khó có thể xảy ra hiện nay đối với EU.

Các nước EU đã tập họp chỉ hơn 3 tuần kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu ngày 24/2 để chế tài hàng trăm người, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bộ trưởng quan trọng và giới tài phiệt thân Điện Kremlin. Một vải “thực thể
- công ty, ngân hàng, hãng hàng không và công ty đóng tàu - cũng bị chế tài trong một thời gian kỷ lục. Tuy nhiên vấn để áp đặt những biện pháp hạn chế lên năng lượng Nga vẫn là cực kỳ nhạy cảm, vì sự lệ thuộc của nhiều nước EU vào khí đốt Nga.

Một nhóm nước do Đức lãnh đạo muốn tạm ngưng các chế tài ngay bây giờ, giữa những quan ngại về giá năng lượng cao và lo sợ là Nga có thể ngưng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Một số nước thì muốn giữ lại việc chế tài vũ khí sử dụng cho mục đích tàn sát, chẳng hạn sử dụng vũ khí hóa học.

Các bộ trưởng sẽ ủng hộ một viện trợ thứ hai, 552 triệu đô la, để giúp mua vũ khí và những trợ giúp khác cho Ukraine, các nhà ngọai giao nói trước cuộc họp.