Bộ Quốc phòng: Thi hài Hồ Chí Minh được bảo vệ an toàn "tuyệt đối"

Lãnh tụ Triều Tiên đặt vòng hoa trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội hôm 2/3. Bộ Quốc phòng cho biết thi hài ông Hồ được bảo vệ an toàn trong suốt 5 thập kỷ qua.

Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 3/4 cho biết thi hài của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh “được giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn trong suốt 50 năm qua.”

Năm nay sẽ đánh dấu 50 năm ngày ông Hồ, nhà lãnh đão cách mạng của Việt Nam, từ trần (1969-2019).

Tại buổi họp báo ở trụ sở Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, đồng thời là Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết bộ của ông được “Đảng, Nhà nước và Nhân dân” giao cho nhiệm vụ “giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người.” Trang web chính thức của Bộ Quốc phòng trích lời vị thiếu tướng này cho biết bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong đó có bảo đảm an ninh và tổ chức đón tiếp nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Ông Hồ mất ngày 2/9/1969 và “theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân,” như Thiếu tướng Cao Đình Kiếm cho biết, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định “giữ gìn thi thể Hồ Chủ tịch lâu dài.”

Tuy nhiên có những thông tin cho rằng trong di chúc viết năm 1969, Hồ Chí Minh mong muốn được hỏa táng và đặt tro tại 3 miền đất nước. Trong toàn văn di chúc đăng trên báo điện tử Chính Phủ, ông Hồ viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.”

Theo Reuters, Hồ Chí Minh được ướp xác theo công nghệ của Liên Xô. Hàng năm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đóng cửa khoảng 2 tháng để các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi thể ông Hồ.

Bộ Quốc phòng cho biết “thành công lớn nhất và xuyên suốt 50 năm qua đó là: Dù bất kỳ trong điều kiện, hoàn cảnh nào nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc” và đội ngũ cán bộ và y, bác sỹ Việt Nam đang tiến tới việc “làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn thi hài” Hồ Chủ tịch.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đặt thi hài ông Hồ, được bắt đầu xây dựng vào năm 1973 với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ. Nhưng trong thời gian chiến tranh, thi hài ông Hồ được đưa đến những nơi bí mật để tránh bom đạn của Mỹ.

Sau năm 1991, khi Liên Xô cũ tan rã, các cán bộ, chuyên gia vận hành kỹ thuật rút hết về nước nhưng đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật của Việt Nam đã thay thế để thực hiện công tác kiểm tra và bảo dưỡng lăng, theo Dân Trí.

Kể từ năm 1975, năm mà chiến tranh Việt Nam kết thúc, đến nay đã có 57 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu khách quốc tế, đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Bộ Quốc phòng.

Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã tới thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.

Hồ Chí Minh là một trong những lãnh đạo cộng sản được ướp xác và trưng bày, trong đó bao gồm Lenin của Nga, Mao của Trung Quốc, Kim Il-sung và Kim Jong-il của Triều Tiên.

Theo nhận định của Alexei Yurchak, giáo sư môn nhân loại học của Đại học California phân viện Berkeley, “thi thể ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập và thậm chí cho chủ nghĩa dân tộc mới” của Việt Nam.