Bộ Tài chính Mỹ công bố “danh sách thân Putin”   

Tư liệu: TT Mỹ Donald Trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 11/11/2017

Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa công bố một danh sách được quốc hội chuẩn y gồm các chính khách và doanh nhân Nga thân với chính quyền Putin, cùng với mối quan hệ của họ với các nhà lãnh đạo hàng đầu Nga, cũng như tài sản của họ.

Danh sách gồm hơn 200 người nhưng không đi kèm với các biện pháp trừng phạt mới, mặc dù một số những nhân vật có tên trước đó đã là mục tiêu bị phía Mỹ trừng phạt.

Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump miễn cưỡng ký một đạo luật hầu như được nhất trí thông qua tại quốc hội để trừng phạt Nga về sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Lúc đó ông Trump nói dự luật này “xen vào quyền hành pháp, phương hại tới các công ty Mỹ và không phục vụ lợi ích của các đồng minh Châu Âu.”

Theo luật đó, chính phủ của Tổng thống Trump có 180 ngày để lập ra một danh sách, danh sách này có tên của Phó Thủ Tướng Dmitri Medvedev, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov, và các giới chức tình báo hàng đầu của Nga. Trong số các doanh nhân thân Putin có nhà tài phiệt nhôm Oleg Deripaska, CEO của ngân hàng Sberbank Herman Gref và CEO của tập đoàn dầu khí Gazprom Alexei Miller.

Danh sách do Bộ Tài Chính Hoa Kỳ công bố “chưa có tiền lệ, dán mác cho tất cả mọi người là kẻ thù của Hoa Kỳ"
Dmitri Peskov, người phát ngôn điện Kremlin

Cũng có tên trên danh sách, người phát ngôn của điện Kremlin Dmitri Peskov mô tả động thái của Mỹ là “chưa có tiền lệ”. Ông nói danh sách dán mác cho tất cả mọi người là kẻ thù của Hoa Kỳ, và đề nghị chính phủ Nga bỏ thì giờ ra phân tích danh sách đó.

Đạo luật đó đòi hỏi chính phủ Trump phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ người nào tham gia một “trao đổi quan trọng” với lĩnh vực quốc phòng hoặc tình báo của chính quyền Nga.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/1 cho biết Bộ đã thông báo cho quốc hội là sẽ không áp lệnh trừng phạt nào như vậy.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói chính phủ Mỹ ước lượng “các chính quyền nước ngoài đã bỏ dở các kế hoạch mua thiết bị quốc phòng của Nga trị giá nhiều tỉ đôla.”

Thông báo không đơn cử ví dụ nào về bất cứ nước nào đã hủy dự tính mua bán với Nga vì đạo luật đó.

Dân biểu Steny Hoyer của Đảng Dân chủ bác bỏ lập luận của chính quyền Trump, nói rằng ông lấy làm thất vọng vì quyết định của họ không áp lệnh trừng phạt, hoặc “đề ra một kế hoạch để răn đe các hành động hung hăng khác nữa của Nga.”

Ông Hoyer nói:

“Các biện pháp chế tài chỉ có hiệu lực răn đe nếu các nước tin rằng Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt. Những loan báo nửa vời hôm nay, khi không có sự lên tiếng của các giới chức cấp cao, không giúp tôi cảm thấy tự tin về điều này.”

Dân biểu Raja Krishnamoorthi, thuộc Đảng Dân chủ, cũng chỉ trích quyết định của Toà Bạch Ốc.

Ông viết trên trang Twitter: “Quốc hội thông qua các biện pháp chế tài đối với Nga với đa số áp đảo nhằm đánh đi một thông điệp về sự can thiệp của Nga vào nền dân chủ của chúng ta. Tổng thống Trump dường như không muốn đánh đi thông điệp đó.”