4 năm sau thảm họa Fukushima: Các lò hạt nhân vẫn đóng cửa

Nhân viên an ninh cầm cờ đỏ 'Xin dừng lại!' trước cổng vào thị trấn Tamura và Okuma ở Fukushima. Hơn 120.000 cư dân sống trong khu vực có bán kính 20km bao quanh Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima vẫn chưa trở về lại nhà cửa của họ được vì mức phóng xạ ở đó vẫn còn cao.

Tại Nhật Bản, hàng ngàn người vẫn không có nhà cửa và các lò phản ứng hạt nhân của nước này vẫn ngưng hoạt động, 4 năm sau trận động đất 9.0 độ và sóng thần đã gây ra một thảm họa hạt nhân kinh khủng nhất kể từ sau vụ Chernobyl. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường trình rằng Thủ tướng Shinzo Abe hứa hẹn một kế hoạch tái thiết 5 năm cho những khu vực bị ảnh hưởng thảm họa, nhưng ông vẫn theo xu hướng phát triển năng lượng hạt nhân bất chấp công luận cực lực phản đối.

Hơn 120.000 cư dân sống trong khu vực có bán kính 20 kilômét bao quanh Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima phải sơ tán vào tháng 3 năm 2011 sau khi nhà máy điện bị thiên tai phá hủy bắt đầu rò rỉ phóng xạ. Những người sơ tán này vẫn chưa trở về lại nhà cửa của họ được vì mức phóng xạ ở đó vẫn cao, và họ vẫn sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài như bị ung thư vì phơi nhiễm phóng xạ.

Giáo sư Jeff Kingston, Giám đốc khoa nghiên cứu Á đông của Đại học Temple ở Nhật Bản, nói rằng những người đi lánh nạn là một bằng chứng sống động của mối nguy hiểm của năng lượng hạt nhân.

"Tất cả những người chạy nạn này đều hiểu rất rõ thực hư về sự an toàn mà chính phủ và các cơ quan năng lượng đã tuyên truyền cho họ trong mấy mươi năm trước đó."

Thủ tướng Shinzo Abe hồi đầu tuần này hứa sẽ đề xuất một kế hoạch 5 năm tái thiết khu vực duyên hải Thái Bình Dương bị sóng thần tàn phá này. Tin cho hay chính phủ đã chi chi ra 50 tỉ đôla cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhật Bản đã phân bổ 15 tỉ đôla cho một dự án hạ thấp mức phóng xạ ở các thị trấn gần nhà máy điện hạt nhân nơi các chất thải phóng xạ được chứa tại 88.000 cơ sở tồn trữ tạm thời.

Tokyo cũng có kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở cất chứa các loại chất liệu hạt nhân dài hạn hơn gần nhà máy điện, bất chấp sự phản đối của một số cư dân.

Sau thảm họa Fukushima, toàn bộ 48 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã ngưng hoạt động. Các cơ sở này vẫn tiếp tục bị đóng cửa do những lo sợ về an toàn và do các cuộc thăm dò công luận cho thấy hơn 60% công chúng nay chống lại năng lượng hạt nhân.

Tuy vậy, Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa tái đắc cử với số phiếu cách biệt lớn, tiếp tục chủ trương ủng hộ năng lượng hạt nhân. Giáo sư Kingston nói rằng quan điểm không được đa số công chúng ủng hộ này của ông Abe có phần nào do sự tính toán ở điểm ông đã tranh thủ được sự ủng hộ của giới lãnh đạo doanh nghiệp có những lợi ích trong ngành công nghiệp hạt nhân.

"Một số người sẽ tiếp tục bị thiệt thòi nhiều nếu các nhà máy điện hạt nhân không khởi động lại. Và những người đó có tầm ảnh hưởng cực lớn trong hành lang quyền lực, và Thủ tướng Abe chính là người mà họ trông đợi."

Việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời bắt đầu phát triển vào năm 2012 đến nay đã đạt đến mức tương đương với 11 lò phản ứng hạt nhân. Nhưng Nhật Bản nay vẫn lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Nước này phải nhập khẩu nhiệu liệu hóa thạch cho 90% sản lượng điện. Dầu hỏa và khí đốt cho đến thời gian gần đây vẫn vẫn mắc hơn đáng kể so với điện hạt nhân.

Bà Tomoko Murakami, một nhà phân tích về năng lượng hạt nhân tại Viện Kinh tế Hạt nhân Nhật Bản, nói rằng việc phụ thuộc vào nhiện liệu hóa thạch của Nhật Bản là một mối quan ngại nghiêm trọng về an ninh năng lượng, trong bối cảnh của sự trồi sụt bất thường của giá cả các loại nhiên liệu này và những lo ngại về sự ổn định tại nhiều quốc gia sản xuất dầu hỏa.

"Nhập khẩu khí đốt nhiều quá là một rủi ro lớn, một mối nguy hiểm lớn đe dọa ngành năng lượng của Nhật Bản."

Bà Murakami nói rằng bất chấp những rủi ro, năng lượng hạt nhân đã đem lại cho Nhật Bản một cảm giác an toàn về năng lượng. Những đối với đa số dân chúng Nhật Bản thì cái giá phải trả và rủi ro của năng lượng hạt nhân hình như lấn át vấn đề an ninh từ sự độc lập về năng lượng, kể từ sau thảm họa Fukushima.