Bóng Việt Nam

  • Jenny Ðỗ

Jenny Đỗ được khu vực cử tri 23 của tiểu bang California tuyên dương là “Người Phụ Nữ của năm 2007”. Cô cũng được thành phố San Jose trao tặng bằng khen thưởng cá nhân xuất sắc. Hội Belle Foundation (bellefoundation.org) cũng đã trao tặng cho cô giải thưở

Là luật sư kiêm họa sĩ, Jenny Đỗ đã tham dự nhiều chương trình triển lãm hội họa tại Mỹ cũng như tại Việt Nam. Cô đã từng làm cố vấn nghệ thuật cho Ủy Ban Nghệ Thuật (Art Commission) của thành phố San Jose, đồng thời cũng là người sáng lập ra phòng tranh Greenrice Gallery, một trong những điểm hẹn quen thuộc của giới hoạ sĩ, thi sĩ, và văn sĩ người Mỹ gốc Việt tại California. Jenny đam mê thơ văn (Việt ngữ cũng như Anh ngữ) và thường hay viết tiểu luận. Những truyện ngắn và tùy bút của cô như Chùa Giánh và Đường Khuynh Diệp đã được nhiều độc giả trong và ngoài nước mến mộ.

“…Tình Riêng Với Nước Non.”

Đêm San Jose, không tiếng dế kêu, không tiếng gọi đò, không tiếng mõ rao mì, không tiếng than hồng nổ tí tách. Chỉ có tiếng đàn tranh từ iPod nhỏ mong manh ngọt lịm vào bóng tối của căn phòng. “…Củi một cành khô lạc mấy giòng…” Tiếng Hồng Vân giải tỏa thơ Huy Cận làm đêm thêm đậm đà, “…không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.” Trong khoảnh khắc, tôi nghe hồn non nước vọng về như cơn lũ tháng mười.

Như con thiêu thân, tôi vẫn luôn tìm cơ hội rời San Jose để về với đất đỏ sông lam, về với cầu Tràng Tiền cơm hến, về với nem chả Hàng Mành Phố Cổ, về với rượu ngô sương mù Hà Giang, về với những nụ cười ngây thơ của các em không cha mẹ, về với những người dân đen lầm than không ai thương tiếc. Như con thiêu thân, tôi cứ phải về.

Có phải tình yêu là mù quáng? Tình riêng với đất nước đã biến những kẻ như tôi thành con thiêu thân?

Bao nhiêu năm dấn thân trong các công việc từ thiện tại Việt Nam, tôi quyết định mở văn phòng chính thức làm luật tại đây với hoài bão một công hai ba việc. Vừa đại diện cho các công ty trong và ngoài nước và vừa hoàn thành được những gì tôi yêu thích—lo được cho các cháu mồ côi và các công việc thiện nguyện một cách hữu hiệu hơn, và thêm vào đó tôi sẽ có nhiều cơ hội vẽ, viết văn thơ..v.v. Tôi tự lý luận thế và bào chữa cho quyết định này để lòng lại tràn ngập thêm bao nguồn sống mới. Là một người ham mê mạo hiểm, tôi thấy đây là một chuyến đi làm xa đầy thú kỳ.

Qua những chuyến trở về với vai trò là người lữ khách, lần đầu tiên tôi tự hào nói chuyện với một số bạn nước ngoài (“expats”) sống tại Việt Nam rằng tôi không có ngày về lại Mỹ vì tôi cần phải ở lại Sài Gòn tới khi công ty được thành công rõ ràng. Tôi tin vậy. Nói một cách thật khẳng định và quả quyết.

Tiếng chuông nhà thờ Huyện Sĩ đánh thức tôi dậy. Nắng sớm mai lúc năm giờ hồng rực căn phòng xa lạ trong ngôi nhà năm phòng tôi mới mướn. Tôi mở mắt nhìn thẳng lên trần nhà cao trắng đối diện con thằng lằn bất động. “I am home.” Tôi mỉm cười.

Cánh Cửa Không Mở Được

“Jenny ơi, giúp chị với!” Tôi giựt mình khi nghe tiếng gọi thất thanh của chị Lan dưới nhà. Chị Lan cũng là người từ Mỹ về. Vì chị đã nghỉ hưu nên trở lại Việt Nam để đầu tư làm ăn. Tôi năn nỉ chị đến share cùng ngôi nhà này với tôi để chị em nương tựa lẫn nhau.

Tôi chạy nhanh ra vừa mở cửa phòng thì bị cơn nóng của ngoài cầu thang đập vào người. Tiếng chị Lan lại vang lên dưới nhà. Tôi phóng xuống cầu thang như bay và trong đầu vừa nhận thức ra là mình đang không có điện. Xuống đến tầng một, bước vào phòng khách tối om nóng nực, tôi thấy chị Lan đang đứng trên một cái ghế hì hà hì hục kéo tràng dây xích sắt nặng nề thòng xuống từ trần nhà.

“Jenny ơi, mình bị cúp điện nên không mở cửa sắt được… chị bị trễ hẹn rồi. Sao chị kéo cái dây này nãy giờ mãi mà không có tác dụng gì hết.” Thì ra là chị đang cố mở cửa sắt bằng tay. Nhà chúng tôi có hai cửa. Một là bằng bốn cánh cửa kiếng khung sắt và bên ngoài là một lớp cửa sắt cuốn từ trần nhà xuống. Không một tí ánh sáng nào có thể lọt vào. Đây là một sự an toàn tưởng tượng. Tuy kín cổng cao tường ở lối vào chính, nếu ăn trộm muốn xâm nhập thì vẫn có thể vào bằng lối sân thượng hoặc qua các hành lang (balcony) của những tầng lầu trên.

Nhưng để cho chị Lan yên tâm, tôi đã kéo cửa sắt xuống đêm qua. Không ngờ qua đêm đầu tiên, chúng tôi lại bị nhốt như thế này. Hai chúng tôi cố gắng kéo dây xích để cửa sắt được mở lên.

Qua mười lăm phút thở hổn hển, chúng tôi ngưng tay và nhìn xuống cánh cửa sắt. Vẫn không nhút nhích chút nào. Nhìn xuống chân cửa, ánh sáng vẫn chưa được vào. Hai tay chúng tôi thì đen vì dầu nhớt từ dây xích ra. Thất vọng với mồ hôi nhễ nhại, tôi lại chạy lên ba tầng lầu để gọi điện thoại cho ông chủ nhà. Ông ta cười ra tiếng trên điện thoại về những câu hỏi ngớ ngẩn của tôi như “ở đây cúp điện thường xuyên không anh?” hay “làm sao kéo cửa sắt lên vậy anh?”

“Được rồi, cô zeni đợi đó đi, tôi sẽ đến.”

“Nhưng anh sẽ vào bằng lối nào?” Tiếng cười ông ta lại vang lên. Ông chủ nhà hoạt bát vui tính nhưng không mấy tình cảm giải thích là đằng sau nhà, giữa hai dẫy nhà có một khe mà người ốm có thể len vào được.

“Cô tròn trịa thì chắc không vào được, nhưng với tôi thì thoải mái.”

Tôi và chị Lan chờ đợi trong cơn nóng hầm cùng với muỗi và bóng tối. Chúng tôi cười an ủi nhau “vạn sự khởi đầu nan” nhưng trong lòng mỗi người cảm thấy có cái gì không ổn.

Khoảng nửa tiếng sau thì chúng tôi nghe tiếng đập cửa ở phía sau. Khổ sở lắm ông chủ nhà mới len vào được. Ông ta cũng không làm gì hơn ngoài những gì chúng tôi đã làm từ trước. Điều khác biệt là ông ta dùng bao tay và kéo dây xích gần một tiếng đồng hồ thì cửa nhích lên được khoảng 70cm, vừa đủ cho một người ốm mình có thể nằm xuống đất và nhích người ra ngoài. Tội nghiệp cho Chị Lan phải làm chuyện đó trong bộ quần áo linen trắng của chị.

Sau khi chị Lan ra ngoài rồi, ông chủ nhà bước xuống ghế, người ông đẫm mồ hôi, ông tháo bao tay và nói: “chuyện nhỏ, có gì đâu.”

Sáng hôm sau, tôi lại gọi ông chủ nhà với một chuyện nhỏ khác. Sau khi tôi cố gắng dậy sớm vào nhà tắm để chuẩn bị đi một cuộc họp thì mới biết là không có một giọt nước. Một lần nữa ông ấy lại đến và lắc đầu: “Nếu không có nước thì chị cứ lên sân thượng để coi bình nước có vấn đề gì. Chứ cái gì chị cũng gọi tôi hết.” Tôi phân bua là không biết bình nước nào hết thì ông ta lại cười lẩm bẩm “thiệt là khổ cho mấy người Việt Kiều.” Tôi khó chịu lắm nhưng cũng nhịn và cố gắng học hỏi cách sửa bình nước. Thì ra là mỗi nhà đều có máy bơm nước lên trên một thùng thiết to đặt trên sân thượng. Nếu nước không xuống thì vì bình bị ghẹt cái gì đó. Nhưng ở trường hợp của chúng tôi là vì mất điện qúa lâu hôm trước nên nước không được bơm lên, rồi sau đó điện không vào vì bị chạm nên nước không được bơm. “Nhập gia tùy tục”, tôi tự nhủ và cố gắng tìm hiểu tất cả các cách thức thực hiện đời sống hàng ngày như thế nào.

Nhưng khổ thay, hết “chuyện nhỏ” này tôi lại bị “chuyện nhỏ” khác. Sau vài lần, cô vợ trẻ của ông chủ nhà tôi bắt đầu phàn nàn “sao chị cứ gọi chồng em hoài zậy?” Tôi quyết tâm tự giải quyết mọi vấn đề, và cũng chính vì vậy, tôi học được rất nhiều cũng như tốn kém rất nhiều. Tôi có thể giao một số trách nhiệm cho các nhân viên tôi vừa mướn tại Sài Gòn, nhưng trong lòng vẫn quyết tâm tự làm một số việc để có thể hòa mình vào cuộc sống ở đây. Tự ái hảo và sự hiếu kỳ đã làm tôi vất vả biết bao nhiêu.

Chuyện đơn giản như mắt mạng internet ở nhà để tôi có thể tiến hành vào công việc ngay cũng là cả một vấn đề. Tôi trực tiếp gọi hãng điện thoại để họ cho thợ đến mắc dây. Người trai trẻ bấm chuông nhà tôi mặc áo đồng phục mang bảng hiệu công ty hãng điện thoại trên ngực trái. Cậu ta nhanh chóng bắt tay vào công việc. Trong vòng dưới hai tiếng, cậu ta đòi tiền và số tiền khoảng gần 300 đô la. Tôi ngạc nhiên là tại sao nó lại đắt thế và phải nhẫn nại nghe những lời giải thích rườm rà. Tôi mệt mỏi và tự trách mình là tại sao không hỏi giá cả trước nên đành đồng ý thanh toán số tiền kia.

“Anh làm ơn cho tôi hóa đơn đỏ để tôi khai thuế.” Tôi vừa đếm tiền vừa hỏi.

“Dạ…dạ, em không có hóa đơn tại công việc này là em làm thêm thôi, không phải làm cho công ty.” “What!” Tôi nhìn anh chàng này một hồi không chớp mắt! Trong lòng nghĩ thầm “mình gọi trực tiếp công ty mà?”

Cuối cùng rồi tôi cũng có internet, nhưng không được mấy hôm thì tôi lại bị “mất mạng”. Đợi chờ hết hai ngày không có “signal”, tôi phải làm việc tại các quán internet café. Bực dọc, thôi than vãn với Hoài bạn tôi. Cô ta cười ôn tồn nói “ở đây làm việc là phải có hai đường dây. Bạn phải mắc hai mạng, mỗi mạng ở một công ty khác nhau. Nếu mạng này bị rớt thì mình còn có mạng kia.”

Nhưng chuyện internet không chỉ có thế. Sau khi tôi đã có được hai đường dây mắc được, điện nhà tôi lại bị cháy vì có quá nhiều máy móc mà không có đủ tràng dây cắm để bảo vệ (electrical cord). Trời chiều mưa tầm tả sét đánh lóe trời đây đó. Tôi nghĩ nếu bây giờ không đi mua thì lại mất một đêm không làm việc được. Mỗi đêm tôi phải làm việc qua skype với các nhân viên bên San Jose nhưng mấy ngày qua tôi đã không lên mạng thường xuyên được và công việc đang bị trễ nải. Tôi có thể gọi điện thoại cho người phụ tá đi mua dây điện nhưng không biết một động lực nào đó đã khiến tôi đi ra gọi taxi tìm nơi bán dụng cụ điện trong nhà. Người tài xế taxi đưa tôi đến một tiệm ở đường Hàm Nghi. Người bán hàng hỏi tôi muốn chọn loại nào, loại Việt Nam, Trung Quốc hay của Đài Loan. Không nghĩ ngợi tôi liền lên tiếng “của Việt Nam chị ạ.”

Tôi vội vàng lau tay ướt khi về đến nhà và lấy dây của các máy móc cắm vào ngay ổ dây điện mới mua. Khổ thay, không cách gì tôi cắm vào được. Tôi dùng hết sức cũng hoài công nên ngồi phịch xuống nền nhà và nhìn kỹ vào những răng cắm điện của các máy và những lỗ tròn đen của dây. Hai bên nhìn thì rất giống như vợ chồng nhưng càng nhìn sát thì càng thấy những lỗ kia khoảng cách không phù hợp với nhưng răng cắm điện của máy.

Thế là thế nào? Tôi tưởng những vật này đã được thống nhất về kích thước (standardized)? Lại một lần nữa tôi lao đầu vào mưa. Tôi hỏi người bán hàng là người ở đây thường dùng dây của do nước nào sản xuất. Chị bán hàng đưa tôi hộp dây của Trung Quốc. Không thắc mắc, tôi mua liền và lên xe taxi chạy về nhà. Mặc dầu đầu và quần áo đã bị ướt, tôi vẫn vội đến ngay bên các dây điện để muốn biết liền kết quả. Tôi mừng rỡ khi thấy dây của các máy cắm được vào ngay các lỗ điện. Tuy không ăn khớp lắm nhưng nó đã vào được nếu sử dụng một chút sức. Đắc chí, tôi cắm hết các dây và mĩm cười bò vào gầm bàn để cắm dây điện chính vào ổ điện trên tường.

“Trời ơi là trời!” Dây cắm vào lại rớt ra. Tại sao lại như thế này? Tôi ngồi thẳng lên nhìn vào răng dây điện nửa trong nửa ngoài ổ điện mà thẫn thờ.

Răng dây nhìn rất hợp với ổ cắm, thế sao nó không hợp nhau? Tôi bắt đầu cảm giác được những giọt nước mưa lăn dài xuống cổ. Tiếng mưa ầm ĩ như xua đuổi như mời gọi. Tôi ngồi như thế rất lâu rồi cuối cùng lên tiếng với chính mình “đành phải dùng băng keo vậy.”

Có điện thì mới có nước có internet, có internet thì mới được nối liền với xã hội trong và ngoài Việt Nam. Được sự nối liền là được cảm giác hiện hữu, quân bình và tiến triển. Nếu không, những tháng đó là những tháng ngây dại vì quá nhiều điều không giải thích được, và quá nhiều điều tôi không tìm ra đủ tĩnh từ chính xác trong lời thuật chuyện.

Điển hình như câu chuyện mẹ của bạn tôi bị ung thư bao tử. Bạn tôi gọi điện thông báo là mẹ của cô ta bị đưa vào phòng cấp cứu. Gia đình cô ấy đã biết bác bị ung thư bao tử nhưng vẫn cố không tiết lộ cho bác ấy biết. Đã từ lâu, tôi không gặp bác. Người phụ nữ hiền lành mộc mạc hay thường la chúng tôi tại sao không đội nón mỗi khi thấy chúng tôi đội trời nắng đi học về. Mấy chục năm đã trôi qua, tôi bây giờ cao lớn, còn bác người thu nhỏ lại như con tôm chín nằm trên băng ca bằng nhôm không chăn trong căn phòng lớn có rất nhiều bệnh nhân nằm la liệt tương tự. Mùi hơi người nồng không quen thuộc và hơi nóng như muốn hấp chín những con bệnh nằm trên các băng ca. Người ta gọi căn phòng này là phòng “ICU”.

Bác cố gắng cười nhưng nụ cười khô trong cơn đau. Tôi xoa chân bác “Bác mau chóng hết bệnh đi để về đi Vũng Tàu đổi gió với tụi cháu nhé.” Tôi nói để mua vui nhưng trong lòng nghẹn ngào chua xót. Nụ cười của bác như sáng lên “ừa, bác chắc hổng nằm đây lâu đâu. Bác về rồi mình đi chơi một phen hén.”

Đúng lúc đó một người phụ nữ da đen cháy nắng đội nón lá đã bị tróc vẩy đến bên cạnh tôi.

“Cô ơi cô, cô làm ơn làm phước mua dùm tôi mấy vé số. Sổ ngày mai, cô mua dùm đi cô.” (“You have got to be kidding!”) Tôi nhìn người đàn bà đứng trước mắt mà không biết phải lựa lời nào cho hợp với tình huống này. Bà ta lại nài nỉ thêm một vài lần để rồi tôi phải lắc đầu khước từ. Một lần nữa tôi lại ngẩn ngơ. [JD]