Đảng thân quân đội thắng 80% số phiếu trong cuộc bầu cử Miến Điện

Lãnh đạo tập đoàn quân nhân Miến Ðiện, Ðại Tướng Than Shwe, đi bỏ phiếu tại Naypyitaw, ngày 7 tháng 11, 2010

Một đảng liên minh với quân đội Miến Điện dường như đã chiếm được hầu hết số ghế trong cuộc tổng tuyển cử. Nhưng các đảng thân dân chủ lớn nhất và các tổ chức nhân quyền cáo buộc chính phủ quân nhân là công khai lũng đoạn cuộc bầu cử. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.

Các đảng thân dân chủ ở Miến Điện đã thừa nhận thất bại hôm nay sau khi đảng thân quân đội lớn nhất là Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển, tức USDP, cho biết họ đã thắng tới 80% số ghế quốc hội được đưa ra dự tranh.

Cả hai đảng Lực lượng Dân chủ Dân tộc và đảng Dân chủ đều nói rằng họ đã thất bại trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật.

Hôm nay, có ít nhất 6 đảng đã đệ đơn khiếu nại với ủy ban bầu cử, than phiền rằng công nhân viên nhà nước bị buộc phải bỏ phiếu cho các đảng thân quân đội.

Bà Cheery Zahau, một phối hợp viên của Viên Giáo dục Nhân quyền Miến Điện, nói rằng cuộc khảo cứu của tổ chức này hỗ trợ cho các lời cáo buộc đó.

Bà Zahau nói: “USDP thực sự buộc mọi người phải gia nhập đảng và một khi gia nhập thì họ nói với mọi người rằng họ phải bỏ phiếu cho đảng nếu không sẽ bị tước hết quyền lợi, mất công ăn việc làm và sẽ vấp phải nhiều vấn đề, họ sẽ bị bỏ rợi trong xã hội và trong cộng đồng.”

Các tổ chức nhân quyền, những người tranh đấu cho dân chủ và phần lớn thế giới đã bài bác cuộc bầu cử là một trò giả trá bởi vì luật tranh cử ngăn cản các ứng cử viên đối lập.

Tuy nhiên, chính phủ quân nhân nói rằng cuộc bầu cử đầu tiên từ 20 năm này nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tạo dựng một chính phủ dân sự sau gần 50 năm quân trị.

Theo hiến pháp năm 2008, 1/4 số ghế tại quốc hội được dành riêng cho quân lực, ngay cả trước cuộc bầu cử.

Phát ngôn viên của tổ chức Human Rights Watch, ông Sunai Pasuk nói rằng kết quả có phần chắc sẽ không cải thiện được bầu không khí chính trị và kinh tế của Miến Điện.

Ông Sunai: “Cho dù kết quả ra sao đi nữa, cho dù đảng được quân đội hậu thuẫn có đạt thắng lới với mức cách biệt lớn thế nào đi chăng nữa, thì cuộc bầu cử này là một trò giả trá ngay từ ban đầu. Thậm chí nó không phải là một cuộc tranh đua thực sự về bầu cử. Cho dù đảng được quân đội hậu thuẫn có thu được bao nhiêu phiếu, thì cũng không đưa đến sự cải thiện nào trong tình hình ở Miến Điện.”

Nhưng giáo sư môn chính trị học của trường đại học Chulalongkorn, ông Thitinan Pongsudirak nói rằng tuy có những khuyết điểm, cuộc bầu cử có thể mở đường cho những tiếng nói chính trị mới.

Ông Thitinan nói: “Những cuộc bầu cử này tuy thế vẫn có thể trong trung hạn đem lại một sự thúc đẩy một phong trào nào đó, một vài động năng nào đó có thể dẫn đến một hình thức cởi mở nào đó. Có phần chắc sẽ không phải là một nền dân chủ toàn diện như nhiều người hy vọng nhưng một vài thay đổi. Qua 20 năm dưới chế độ quân trị cổ điển, độc tài, chúng ta cũng nên nuôi một chút hy vọng.”

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng cuộc bầu cử lần trước vào năm 1990. Nhưng liên minh đã không hề được phép lên nắm quyền, và một số nhà lãnh đạo liên minh, trong đó có bà Aung San Suu Kyi đã bị đặt trong tình trạng quản thúc phần lớn thời gian kể từ khi đó.

Kết quả được đưa ra vào lúc những vụ xung đột dọc theo biên giới Miến Điện giáp với Thái Lan giữa các toán dân quân sắc tộc và quân đội dường như đang lắng xuống. Giao tranh hôm Chủ nhật và thứ Hai vừa qua tại thị trấn Myawaddy của Miến Điện đã buộc hàng ngàn nguời Miến Điện bỏ chạy qua Thái Lan để tìm nơi trú thân tạm bợ. Nhưng tối nay, đa số đã lên đường trở về nhà sau khi chính phủ Thái Lan cho biết tình hình an toàn.