Bộ Tư pháp Mỹ thành lập đơn vị chuyên trách về khủng bố nội địa

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Matthew Olsen.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sắp thành lập một đơn vị chuyên trách chống khủng bố trong nước, quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của bộ này nói với các nhà lập pháp hôm 11/1 khi ông mô tả mối đe dọa “gia tăng” từ những kẻ cực đoan bạo lực ở Hoa Kỳ.

Ra điều trần vài ngày sau khi cả nước Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm một năm cuộc bạo loạn tại Điện Capitol, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olsen cho biết số lượng các cuộc điều tra của FBI về những kẻ cực đoan bạo lực trong nước đã tăng hơn gấp đôi kể từ mùa xuân năm 2020.

Việc thành lập một đơn vị mới nêu bật lên thực tế là chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong lòng nước Mỹ đã đạt đến mức thu hút sự chú ý khẩn cấp trong chính phủ liên bang và tại Nhà Trắng. Trong nhiều năm sau vụ tấn công ngày 11/9, chủ nghĩa cực đoan trong nước bị lu mờ bởi mối đe dọa khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên theo AP, vấn đề vẫn còn gây chia rẽ về mặt chính trị, một phần là do việc không có quy định liên bang chống khủng bố nội địa đã tạo ra sự mơ hồ về việc xếp loại bạo lực nào là khủng bố. Bộ luật hình sự của Hoa Kỳ định nghĩa khủng bố nội địa là bạo lực nhằm ép buộc hoặc đe dọa dân thường và gây ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ, nhưng không có quy định hình phạt riêng cho khủng bố nội địa độc lập, có nghĩa là các công tố viên phải dựa vào các quy định khác.

Đánh giá về các mối đe dọa trong nước ngày càng tăng của ông Olsen tương đồng với một cảnh báo vào tháng 3 năm ngoái từ Giám đốc FBI Christopher Wray, người đã ra điều trần và nói rằng mối đe dọa đang “di căn”. Jill Sanborn, trợ lý giám đốc điều hành phụ trách chi nhánh an ninh quốc gia của FBI, người ra điều trần cùng với ông Olsen, cho biết hôm 11/1, rằng mối đe dọa lớn nhất đến từ những phần tử cực đoan đơn độc hoặc các tổ chức nhỏ cực đoan trên mạng và tìm cách thực hiện bạo lực nhắm vào cái gọi là “mục tiêu mềm”.

Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ, do ông Olsen lãnh đạo, có một bộ phận chống khủng bố. Nhưng ông Olsen nói với Ủy ban Tư pháp Thượng viện rằng ông đã quyết định thành lập một đơn vị chuyên trách chống khủng bố trong nước “để tăng cường cách tiếp cận hiện nay của chúng tôi” và “đảm bảo rằng những vụ việc này được xử lý đúng cách và được điều phối hiệu quả” trên toàn quốc.

Sự chia rẽ đảng phái xung quanh thuật ngữ khủng bố trong nước đã lộ rõ trong phiên điều trần hôm 11/1.

Thượng nghị sĩ Richard Durbin của Illinois, Chủ tịch ủy ban, người của đảng Dân chủ, đã phát video về cuộc bạo động ngày 6/1 ngay đầu phiên điều trần và kêu gọi mọi người trong ủy ban “sử dụng phiên điều trần này để lên án rõ ràng việc sử dụng hoặc đe dọa bạo lực nhằm đạt được mục tiêu chính trị”.

Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã tìm cách chuyển sự chú ý ra khỏi sự kiện ngày 6/1 và khẳng định rằng cuộc bạo loạn đã giành lấy sự chú ý khỏi cuộc bạo động năm 2020 bùng nổ ở các thành phố của Mỹ, xuất phát từ các cuộc biểu tình đòi công bằng chủng tộc.

FBI và Bộ Tư pháp cho biết họ đối xử với bạo lực cực đoan nội địa như nhau bất kể xuất phát từ nguyên nhân gì. Bà Sanborn cho biết FBI đã mở hơn 800 cuộc điều tra liên quan đến vụ bạo loạn năm 2020 và bắt giữ hơn 250 người. Tổng chưởng lý Merrick Garland tuần trước cho biết Bộ Tư pháp đã bắt giữ và buộc tội hơn 725 người vì bị cáo buộc có đóng các vai trò trong vụ tấn công ngày 6/1.