Các bác sĩ mô tả thảm cảnh nhân đạo ở thành phố Aleppo, Syria

Lực lượng dân sự Syria giúp đỡ một người phụ nữ bị thương sau khi máy bay chiến đấu tấn công một con phố ở Aleppo, ngày 8/6/2016.

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại thành phố Aleppo của Syria, nơi mà cơ sở hạ tầng bị tàn phá tan hoang vì bạo lực.

Liên Hiệp Quốc nói có tới hai triệu người đang chịu cảnh không có nước hoặc điện. Giữa lúc quân nổi dậy Syria tiếp tục chiến đấu để phá vỡ vòng vây của chính phủ Assad tại Aleppo, các nhân viên y tế hôm thứ Hai kể với những nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc rằng thành phố lớn nhất của Syria đã trở thành “một địa ngục”.

"Trẻ em ở Aleppo không có sữa, bác sĩ thiếu hụt nghiêm trọng thuốc men, máu, chỉ khâu và máy thở, và người dân thì không có bánh mì, thịt, hoặc khí đốt", theo lời Bác sĩ Zaher Shaloul thuộc Hội Y khoa Syria-Mỹ ở thành phố Chicago nói với các thành viên của Hội đồng Bảo an.

Bác sĩ Samer Attar, cũng làm việc với Hội Y khoa Syria-Mỹ, cho các thành viên của hội đồng xem hình ảnh các em nhỏ bị cưa chân và bị chấn thương não. Ông nói những bệnh viện ở Aleppo nhìn giống các boong-ke hơn là bệnh viện, với những bao cát và thùng bao quanh để bảo vệ, chống lại những vụ ném bom diễn ra gần như hàng ngày. Ông cho biết tại một bệnh viện nơi ông làm việc, bệnh nhân được chữa trị dưới tầng hầm vì tầng trên dễ bị tấn công.

Bác sĩ Attar nói: "Ở đây người ta sống qua từng cuộc thảm sát một." Ông phê phán Hội đồng Bảo an vì đã không hành động và thúc giục họ làm nhiều hơn nữa. Ông nói: "Cơ quan này có khả năng chấm dứt thảm cảnh này. Hội đồng có khả năng cứu mạng sống và chân tay của các nạn nhân trên quy mô mà các bác sĩ không sao làm được."

Qua một đoạn video thu sẵn với tiếng pháo kích và tiếng súng liên tiếp làm nền, một đại diện của lực lượng dân phòng có tên là “Mũ Bảo hộ Trắng Syria”, ông Khaled Harah kể về 250 người đã thiệt mạng trong tháng qua ở Aleppo, và việc nhóm dân phòng của ông đã bị nhắm tấn công khi tìm cách cứu giúp những nạn nhân bị thương. Ông nói sự im lặng của quốc tế về cuộc vây hãm Aleppo là "đáng hổ thẹn."

Bác sĩ Shaloul nói với những thành viên của Hội đồng Bảo an rằng nghị quyết của Hội đồng cho phép viện trợ nhân đạo xuyên biên giới đã có tác dụng.

"Đây là một trong những lý do mà Aleppo vẫn còn sống còn," ông nói. Tuy nhiên Bác sĩ Shaloul cảnh báo rằng sáng kiến hành lang nhân đạo của Nga để sơ tán dân sẽ khó thi hành hơn. 400 thường dân và 90 phiến quân đã rời thành phố thông qua hành lang này.

Your browser doesn’t support HTML5

Phiến quân Syria phá quyền kiểm soát của chính phủ ở Aleppo