Các kế hoạch điện hạt nhân của Việt Nam có quá nhiều tham vọng?

Hôm 10 tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ký một hiệp định hợp tác dân sự với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Á châu Thái bình dương tại Brunei.

Một hiệp định Việt-Mỹ được ký kết hồi gần đây cho phép các công ty Mỹ bán kỹ thuật hạt nhân cho Việt Nam. Thỏa thuận này còn cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, nhưng theo tường thuật của thông tín viên Marianne Brown của đài VOA ở Hà Nội, hiệp định này thu hút sự chú ý đối với điều mà giới chỉ trích nói là những kế hoạch điện hạt nhân có quá nhiều tham vọng của Việt Nam.

Hôm 10 tháng 10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã ký một hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Á châu Thái bình dương ở Brunei.

Hiệp định thường được gọi là Hiệp định 123 sẽ cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu trang thiết bị hạt nhân cho Việt Nam và tiến vào một thị trường năng lượng hạt nhân có nhiều tiềm năng mà theo dự liệu sẽ tăng từ 10 tỉ đô la tới 50 tỉ đô la vào cuối năm 2030.

Tuy là một nước có nhiều nguồn năng lượng như than đá, dầu lửa và thủy điện, các nhà phân tích năng lượng dự báo Việt Nam sẽ phải bắt đầu nhập khẩu năng lượng vào năm 2015 để thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển một cách nhanh chóng. Để ứng phó với vấn đề này, chính phủ Việt Nam đã loan báo kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện hạt nhân trong vòng 20 năm tới đây và đã ký các hợp đồng với Nga và Nhật Bản.

Ông Murray Hiebert, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói rằng những dự án hạt nhân này đòi hỏi những khoản đầu tư dài hạn và những mối quan hệ quốc tế. Nhưng ông nói thêm rằng thỏa thuận hạt nhân của Mỹ dường như không chỉ giới hạn trong việc phục vụ các lợi ích kinh tế.

"Tôi nghĩ là có hai yếu tố đang phát huy tác dụng ở đây. Một là tiềm năng về kinh tế và công ăn việc làm. Và hai là Hoa Kỳ đã hành động khá nhanh chóng để cải thiện các mối quan hệ với Việt Nam. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7. Việt Nam nằm trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái bình dương TPP cùng với Hoa Kỳ và 10 nước khác."

Phải chăng rốt cuộc nó sẽ dẫn tới một phong trào chống đối ở Việt Nam như những phong trào mà chúng ta đã thấy đối với việc Trung Quốc khai thác mỏ bauxite hoặc đối với dự án xây đường xe lửa cao tốc từ Sài Gòn tới Hà Nội?
Giáo sư Murray Hiebert, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington.
Không phải mọi người đều cảm thấy phấn khởi đối với những kế hoạch nhằm xây dựng công nghiệp điện hạt nhân ở Việt Nam.

Quốc gia Đông Nam Á này nằm trên một đường phay địa chấn và có bờ biển rất dài. Năm 2011, kết quả một cuộc khảo sát của một tổ chức nghiên cứu của Italia cho thấy tỉnh Ninh Thuận, nơi mà giới hữu trách Việt Nam định xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, có thể dễ bị tổn hại bởi sóng thần do động đất gây ra.

Cho đến nay chỉ có một số nhỏ những người chỉ trích nêu ra những mối quan tâm của họ, nhưng theo giáo sư Hiebert, con số này có thể mỗi ngày một tăng.

"Phải chăng rốt cuộc nó sẽ dẫn tới một phong trào chống đối ở Việt Nam như những phong trào mà chúng ta đã thấy đối với việc Trung Quốc khai thác mỏ bauxite hoặc đối với dự án xây đường xe lửa cao tốc từ Sài Gòn tới Hà Nội? Tôi thật sự không biết. Nhưng tôi tin là khi Việt Nam tiến gần hơn tới chỗ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thì sẽ có thêm những nghi vấn được nêu lên bởi các tổ chức bảo vệ môi trường và những người khác."

Một số các chuyên gia Việt Nam đã nêu lên mối lo ngại là các kế hoạch của chính phủ có quá nhiều tham vọng. Một trong những người này là ông Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, nơi đặt lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu của Việt Nam. Ông Hiển cho biết hồi gần đây có tin nói rằng kế hoạch xây hai lò phản ứng do Nga tài trợ đã bị đình hoãn, nhưng chính phủ Việt Nam chưa có loan báo chính thức.

Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng cho rằng Việt Nam tuy thiếu điện nhưng không thiếu đến độ phải vội vã để xây cho xong nhà máy điện hạt nhân trước năm 2020.

Hiệp định hạt nhân Việt-Mỹ không cho phép Việt Nam tinh luyện hay tái chế biến plutonium hay uranium trong lúc phát triển năng lượng hạt nhân.

Đó sẽ là một việc hoàn toàn hợp lý nếu anh muốn dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với những cường quốc chống lại anh. Nếu anh có thể nói với Trung Quốc 'Các ông có thể giết chết chúng tôi hoặc đánh bại chúng tôi nhưng chúng tôi sẽ hủy diệt thành phố Thượng Hải'. Nhưng tôi không nhận thấy điều đó.
Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales.
Mục tiêu của sự ngăn cấm này là không để cho Việt Nam phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng theo giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia, mối quan tâm về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân không phải là một yếu tố quan trọng. Chuyên gia về an ninh Á châu này cho rằng Việt Nam không hề muốn có vũ khí hạt nhân.

"Đó sẽ là một việc hoàn toàn hợp lý nếu anh muốn dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với những cường quốc chống lại anh. Nếu anh có thể nói với Trung Quốc “Các ông có thể giết chết chúng tôi hoặc đánh bại chúng tôi nhưng chúng tôi sẽ hủy diệt thành phố Thượng Hải”. Nhưng tôi không nhận thấy điều đó."

Giáo sư Thayer cho rằng việc ký kết hiệp định 123 là một chỉ dấu của sự tin tưởng chiến lược giữa các nước và bất kỳ một sự thụt lùi nào của phía Việt Nam cũng đều có nhiều rủi ro.

Hiện chưa thể biết được Quốc hội Mỹ có phê chuẩn hiệp định hay không, nhưng nhà phân tích Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng chính phủ Obama sẽ có một lý lẽ vững chắc để thuyết phục các nhà lập pháp, nếu việc phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam được thực hiện một cách an toàn và chỉ phục vụ cho các mục tiêu dân sự mà thôi.