Các nhà lãnh đạo: Có tiến bộ trong các cuộc đàm phán về Ukraine

  • Lisa Bryant

Lãnh đạo các nước họp về vấn đề Ukraine bên lề hội nghị ASEM, 17/10/14

Các nhà lãnh đạo Nga và Âu châu mô tả các cuộc đàm phán khó khăn ở Milan nhắm mục đích chấm dứt vụ khủng hoảng ở Ukraine, đã làm bang giao giữa hai bên sụt xuống mức thấp nhất từ nhiều năm. Thông tín viên Lisa Bryant tường thuật rằng đây là cuộc hội kiến lần đầu tiên từ tháng 8 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người tương nhiệm Ukraine, ông Petro Poroshenko, và là lần gặp gỡ đầu tiên kể từ tháng 6 giữa ông Putin và các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu.

Các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Nga, EU và Ukraine đã phủ một bóng mờ lên hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa châu Á và Liên hiệp châu Âu. Các nhà lãnh đạo Nga và Âu châu cho biết đã đạt được một vài tiến bộ - mặc dầu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà không thấy có sự khai thông nào cho đến nay và phát ngôn viên của điện Kremli mô tả các cuộc đàm phán là đầy những sự hiểu lầm và bất đồng.

Thủ tướng Anh David Cameron tỏ ra lạc quan hơn, nhưng nói rằng điều đáng kể lúc này là các kết quả.

Ông Cameron tuyên bố: “Đó là một cuộc họp tốt đẹp, bởi vì là cuộc họp với cả Tổng thống Nga lẫn Tổng thống Ukraine. Và ông Vladimir Putin đã nói rất rõ rằng ông không muốn có một cuộc xung đột bị đóng băng, ông không muốn một nước Ukraine bị chia cắt. Nhưng nếu đó là trường hợp xảy ra, thì Nga nay cần phải có các biện pháp để thực hiện tất cả những gì đã được thoả thuận – đưa binh sĩ Nga ra khỏi Ukraine, đưa vũ khí hạng nặng ra khỏi Ukraine và tôn trọng tất cả các hiệp ước. Và chỉ thừa nhận một loạt các cuộc bầu cử hợp pháp ở Ukraine.”

Nếu việc ấy không xảy ra, theo ông Cameron, thì Liên hiệp châu Âu phải duy trì các biện pháp chế tài và áp lực đối với Moscow.

EU và Hoa Kỳ đã áp dụng một loạt các biện pháp chế tài đối với Nga vì nước này sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ cuộc nổi dậy ở đông bộ Ukraine. Moscow phủ nhận việc giúp phe nổi loạn và đã trả đũa bằng các biện pháp chống chế tài đã gây thiệt hại nặng cho công nghiệp thực phẩm của châu Âu.

Phía châu Âu đang vận động việc thực thi cái gọi là những hiệp định Minsk, kêu gọi cả hai bên ngưng chiến đấu và rút binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng biên giới.

Phía châu Âu cũng đang làm áp lực đòi Nga phải thừa nhận các cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Ukraine và lên án các cuộc bầu cử theo kế hoạch của phe đòi ly khai ở đông bộ Ukraine.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp và Đức đã đề nghị cung cấp máy bay không người lái cho Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu để kiểm chứng việc triệt thoái binh sĩ và vũ khí ra khỏi vùng biên giới. Có tin Nga đã vận động để máy bay không người lái của họ tham gia vào việc kiểm tra này.

Tuần tới, các giới chức của Ukraine, Nga và EU sẽ mở các cuộc đàm phán ở Brussels về việc giải quyết một vụ tranh chấp giá cả dầu khí đe doạ cắt đứt nguồn cung ứng cho Ukraine vào mùa đông năm nay, và cũng có thể gây gián đoạn cho nguồn cung ứng cho châu Âu.