Các tướng lãnh Thái Lan hứa hẹn cải cách trong bầu không khí hoài nghi

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hứa sẽ có những thay đổi quan trọng làm tốt hơn trong năm 2015, nhưng cảnh báo rằng cải cách và lộ đồ hướng tới dân chủ sẽ phải cần đến thời giờ.

Hai vị tướng lãnh hàng đầu của tập đoàn cầm quyền đang cai trị Thái Lan hôm thứ Tư đã bênh vực cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5, lật đổ chính phủ dân sự, nhưng nói với cử toạ quốc tế ở Bangkok rằng họ cam kết trở lại thể chế dân chủ.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, phát biểu trước các các Phòng Thương mại Nước ngoài Hỗn hợp ở Thái Lan, còn gọi tắt là JFCCT, đã hứa sẽ có những thay đổi quan trọng làm tốt hơn trong năm 2015, nhưng cảnh báo rằng cải cách và lộ đồ hướng tới dân chủ sẽ phải cần đến thời giờ.

Ông Chan-ocha nói với cử toạ, “Tôi đã xác nhận chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử và mọi sự sẽ tốt hơn nhiều. Mọi đề nghị đều được hoan nghênh.”

Trấn an giới đầu tư

Vị tướng hồi hưu này kêu gọi các thành viên của các phòng thương mại nước ngoài chớ quan ngại quá đáng về lệnh thiết quân luật tiếp tục có hiệu lực. Để xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư, ông hứa hẹn, “Chúng tôi sẽ không để cho các cuộc biểu tình xảy ra một lần nữa.”

Từ nhiều năm, Thái Lan đã bị tan tác vì những chia rẽ gay gắt về chính trị đã biến thành bạo động, Khi lên nắm quyền hồi tháng 5 năm nay, quân đội đã hức chấm dứt vòng hỗn loạn này thông qua các cải cách chính trị.

Nhưng vẫn còn chưa rõ liệu điều ấy có đem lại một chính phủ dân chủ hay không, bất chấp những lời trấn an của các giới chức cấp cao nhất.

Phát biểu với một đám đông khác hôm thứ tư, chủ yếu gồm các nhà ngoại giao dự một cuộc hội thảo với chủ đề “Trên con đường hướng tới Cải cách,” nhân vật số 2 trong chính phủ quân nhân, Tướng Tanasak Patimapragorn nói: “Thái Lan vẫn có cam kết đầy đủ với dân chủ và các giá trị dân chủ nhưng nền dân chủ thực sự mà chúng ta mong muốn phải nhiều hơn là chỉ các cuộc bầu cử mà thôi.”

Ông nói, cụ thể là lộ đồ cải cách mà chính phủ do quân đội lãnh đạo đang thực thi sẽ bảo đảm một nền dân chủ dựa trên “sự quản trị tốt và trách nhiệm, pháp trị và nhân quyền.”

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hứa sẽ có những thay đổi quan trọng làm tốt hơn trong năm 2015, nhưng cảnh báo rằng cải cách và lộ đồ hướng tới dân chủ sẽ phải cần đến thời giờ.

Song những người chỉ trích tập đoàn cầm quyền lập luận rằng các khu vực quan trọng của xã hội dân sự không được bao gồm trong tiến trình cải cách. Tại các cuộc hội thảo kín hôm thứ tư, không có người nào nói thẳng thuộc phe chống đối xuất hiện trong danh sách tham dự.

Vai trò của việc đưa ra lời chỉ trích xây dựng thay vì thế được dành cho các học giả nước ngoài được mời dự.

Lời lẽ thẳng thắn của các diễn giả được mời

Trong bài phát biểu chính, tổng thư ký của Liên đoàn Liên Quốc Hội đã đưa ra những ý kiến bộc trực mà nếu được một công dân Thái nói ra nơi công cộng thì có thể bị bắt ngay lập tức theo luật hiện hành của Thái Lan.

Người đứng đầu tổ chức vừa nói, còn gọi tắt là IPU, ông Martin Chungong, người Cameroon, nói, “Cải cách sẽ chỉ mang tính cách tích cực nếu diễn ra trong một bầu không khí trong đó tất cả mọi người được quyền bày tỏ ý kiến và được lắng nghe mà không sợ bị trả thù.”

Ông nói thêm, “Để Thái Lan trở lại thể chế dân chủ, phải thực thi một phần sự tôn trọng nhân quyền, quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do hội họp.”

Thái Lan đã có thành tích yếu kém trong lãnh vực này dưới quyền của tập đoàn quân nhân cầm quyền, theo tổ chức quốc tế phi chính phủ Human Rights Watch.

Trong một thông cáo tháng trước, Tổ chức này nêu ra rằng, “Sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản ở Thái Lan dưới thời quân trị đã rơi vào một cái hố dường như không đáy.” Tổ chức này viện dẫn các lệnh cấm sinh hoạt chính trị, truy tố có hệ thống những người chỉ trích, kiểm duyệt truyền thông và các toà án quân sự mở các phiên xử các nhân vật bất đồng chính kiến.

Thái Lan đã có 19 bản hiến pháp (5 trong số này được coi là hiến chương tạm thời, kể cả bản hiến pháp hiện hành), kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932.

Tướng Tanasak Patimapragorn nói, “Thái Lan vẫn có cam kết đầy đủ với dân chủ và các giá trị dân chủ nhưng nền dân chủ thực sự mà chúng ta mong muốn phải nhiều hơn là chỉ các cuộc bầu cử mà thôi.”

Phó giáo sư môn khoa học chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của trường Đại học Michigan, cũng tham dự cuộc hội thảo này, ông Allen Hicken cảnh báo, “Không có cõi niết bàn mang tính cơ chế và hợp hiến nào có thể cứu vãn được mọi thứ.”

Ông Hicken nói quan niệm cho rằng một số tổ chức ở Thái Lan không được đại diện đầy đủ “đề ra một số thách thức về tính hợp pháp của tiến trình cải cách và những gì diễn ra sau đó.”

Một trong những người cùng uỷ ban với ông Hicken, cũng nói chuyện với đài VOA trước phần trình bày của ông, lập luận rằng cuộc tranh đấu đòi cải cách chính trị ở Thái Lan đã có từ thập niên 1970 với thành quả đạt được vào năm 1997 khi công chúng ủng hộ một hiến pháp từng là “một trong các bản hiến pháp cấp tiến nhất trong khu vực.”

Nhưng “gần như chúng ta đã xuống dốc kể từ khi đó,” theo nhận định của ông Michael Vatikiotis, Giám đốc Khu vực châu Á của Trung tâm Đối thoại Nhân đạo có trụ sở ở Geneva.