Cameroon sử dụng công cụ mới giúp kế hoạch hoá việc mang thai

Buổi thuyết trình công cụ Calculator 28 trước các nhà ngoại giao ở Yaounde, Cameroon, 14/11/2014. (Moki Edwin/VOA)

Cameroon đã trở thành quốc gia châu Phi thứ 7 bắt đầu sử dụng Calculator 28 (Máy tính 28), một chương trình tính toán chu kỳ rụng trứng ở phụ nữ để giúp họ tránh được việc có thai ngoài ý muốn. Máy tính 28 có thể được sử dụng thông qua một chiếc điện thoại di động hoặc như một bộ dụng cụ.

Your browser doesn’t support HTML5

Cameroon sử dụng công cụ mới giúp kế hoạch hoá việc mang thai

Em Belinda Yayin chỉ mới 15 tuổi khi em có thai hồi năm 2013. Em nói rằng em chưa sẵn sàng để có con hay chấp nhận vết nhơ mà một nữ sinh chưa chồng mà chửa phải gánh chịu:

“Em còn không muốn nhớ tới điều gì đã xảy ra. Em sinh con và hai ngày sau đó, em được gửi trả về nhà mà không hề biết chuyện gì đang xảy ra với con của em. Đứa bé bị bệnh và qua đời. Em đã gần như bị suy sụp vì hành động này.”

Belinda là một trong số khoảng 222 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng họ muốn trì hoãn hoặc chấm dứt việc mang thai nhưng lại không dùng phương pháp ngừa thai nào cả.

Để giải quyết vấn đề này, ông Paul Franck Indjendjet Gondjout, một người gốc Gabon, đã nghĩ ra một công cụ mới để giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về cơ thể và cơ chế sinh sản của mình. Ông cho biết:

“40 phần trăm các em gái và phụ nữ không biết cách tính chu kỳ kinh nguyệt của mình như thế nào. Và ngoài ra, một phần ba phụ nữ có con trước khi họ tròn 18 tuổi.”

Ông Paul Franck đã phát triển Máy tính 28 để xác định ngày rụng trứng, thời điểm sinh sản trong chu kỳ hàng tháng của một người phụ nữ:

“Những người sử dụng ứng dụng của chúng tôi phải gửi một tin nhắn với ngày bắt đầu kinh nguyệt của tháng trước, nó kéo dài bau lâu, và sau đó họ sẽ nhận được ngày bắt đầu đợt kinh nguyệt tiếp theo của họ, giai đoạn sinh sản là khi nào, và ngày rụng trứng.”

Bác sĩ phụ khoa Tumasag Florence làm việc tại Bệnh viện Trung ương Yaounde nói rằng công cụ này có thể tạo ra một tác động lớn ở châu Phi, nơi mà phụ nữ rất cần có thêm nhiều thông tin và cách kiểm soát cơ thể của chính mình.

Bà nói rằng châu Phi có nhiều vấn đề nghiêm trọng về kế hoạch hóa gia đình: phần lớn phụ nữ thậm chí không hề biết chu kỳ kinh nguyệt là gì và 40 phần trăm trong số những người biết thì lại không thể nhớ được ngày cuối cùng trong chu kỳ kinh nguyệt của mình là khi nào, và việc này đã dẫn tới những ca mang thai ngoài ý muốn.

Trong khi chương trình Máy tính 28 dựa trên hệ thống tin nhắn điện thoại, nó cũng có thể được dùng dưới dạng bộ dụng cụ dành cho những ai không có điện thoại di động để họ có thể tính toán được chu kỳ kinh nguyệt của mình và có được thông tin về giai đoạn sinh sản và không an toàn cho việc quan hệ tình dục.

Ông Paul Franch Indjendjet Gondjout nói rằng dự án của ông đã có một khởi đầu tốt nhưng ông muốn gây thêm quỹ để có thể phân phối công cụ này đi khắp châu Phi.

“Công cụ này đã có mặt ở Gabon, Senegal, Burkina Faso, Bờ biển Ngà, Cameroon, và chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, nó sẽ xuất hiện trên khắp châu Phi. Chúng tôi cần tiền để sản xuất những bộ dụng cụ có thể được đưa đến những khu vực nông thôn. Chúng tôi cần tiền để đưa những công cụ này tới cho toàn dân.”

Phụ nữ không phải là những người duy nhất quan tâm tới Máy tính 28. Một số đàn ông cũng vậy.

Anh Eugene Paul Ndama nói rằng trong số chín lần mang thai của vợ anh, bốn lần trong số đó là ngoài ý muốn, và anh ước rằng lúc đó họ có được một thứ công cụ như thế này. Anh nói rằng Máy tính 28 là một sự may mắn cho các trường học và cộng đồng nhằm vì nó có thể giúp đỡ những bạn trẻ ngăn ngừa việc mang thai trước khi họ sẵn sàng cho việc có con.

Ông Paul Franck Indjedjet Gondjout nói rằng trong khi các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc bắt đầu chuẩn bị cho dự án Phát triển hậu Thiên niên kỷ vào năm 2015, trọng tâm sẽ được đặt nhiều hơn vào kế hoạch hóa gia đình. Ông lưu ý rằng một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc gần đây cho thấy nếu không có một chiến lược tốt hơn, 40 phần trăm trong số hai tỷ trẻ em được sinh ra ở châu Phi trước năm 2035 sẽ xuất phát từ những ca mang thai ngoài ý muốn.

Không chỉ ở châu Phi, vấn đề ngừa thai cũng là một vấn đề gây nhức nhối cho phụ nữ ở quốc gia có dân số đứng thứ hai thế giới, Ấn Độ. Triệt sản là một trong những phương pháp ngừa thai phổ biến tại đây. Nhưng vào tháng 11 vừa qua, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ một bác sĩ tại một trại y tế do chính phủ điều hành ở bang Chhattisgarh, nơi ít nhất 13 phụ nữ tử vong sau khi phẫu thuật triệt sản. Tiếp sau đó, các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận được những loại thuốc sử dụng trong những vụ triệt sản này.

Bộ trưởng Y tế bang Chattisgarh, Amar Agrawal, nói thuốc kháng sinh ciprocin, được cấp phát cho mấy chục phụ nữ trải qua phẫu thuật triệt sản chứa chất phosphat kẽm. Hóa chất này thường được dùng trong thuốc diệt chuột.

Nói chuyện với phóng viên VOA Frances Alonzo, bà Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Quỹ Dân số Ấn Độ nói rằng hiện đang có những biện pháp thay thế khác dành cho những phụ nữ muốn ngừa thai nhưng không tiến hành phẫu thuật. Sáng kiến này là một phần trong Kế hoạch hóa Gia đình 2020 do tổ chức UN Foundation thực hiện. Đây là kế hoạch hợp tác toàn cầu nhằm giúp đỡ phụ nữ và các em gái đưa ra quyết định cho bản thân về việc liệu họ có muốn có con không, và nếu có thì là khi nào và bao nhiêu con.