Cần Thơ truy tố các thành viên Báo Sạch vì ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’

Ông Trương Châu Hữu Danh đấu tranh chống sự vô lý của một số trạm thu phí đường bộ, 15/1/2019.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, hôm 9/9 ra cáo trạng truy tố ông Trương Châu Hữu Danh và 4 thành viên khác của nhóm Báo Sạch về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, căn cứ vào một điều trong Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.

Báo chí trong nước cho biết những người bị truy tố gồm các ông Trương Châu Hữu Danh, 39 tuổi, người Long An; Nguyễn Phước Trung Bảo, 39 tuổi, người Đà Nẵng; Đoàn Kiên Giang, 36 tuổi, người thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Nhã, 41 tuổi, người Tp.HCM, và Lê Thế Thắng, 39 tuổi, người Hà Nội.

Cáo trạng được báo chí nhà nước dẫn lại nói rằng 5 bị can nêu trên dùng các tài khoản Facebook cá nhân, Fanpage có tên “Báo Sạch” và một số trang khác trên mạng xã hội để đăng nhiều bài viết, hình ảnh, video bị nhà chức trách quy là “chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều…”

Theo cáo trạng, việc làm của nhóm là hành vi “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, và các thông tin, bài đăng của nhóm “làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng bình luận tiêu cực, kích động, chống phá đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước”.

Nhà chức trách xác định rằng hai ông Danh và Bảo giữ vai trò quản trị viên các trang; 3 người còn lại - các ông Nhã, Giang và Thắng - là biên tập viên. Ông Danh bị bắt giữ cuối năm ngoái; hơn 4 tháng sau, 3 thành viên Báo Sạch tiếp tục bị tạm giam trong khi ông Thắng được tại ngoại.

Như VOA đã đưa tin, nhóm Báo sạch được thành lập năm 2019 và nhanh chóng gây nhiều tiếng vang, đạt được lượng theo dõi khổng lồ do họ đăng nhiều tin, bài về các sai phạm của các quan chức tham nhũng cũng như của một số doanh nghiệp ở Việt Nam.

Không ít độc giả của Báo Sạch nhận xét rằng nhóm có những bài viết rất thẳng thắn và có những bằng chứng rất xác thực.

Trả lời phỏng vấn của VOA chỉ một ngày trước khi bị bắt hồi tháng 12/2020, ông Danh nói rằng ông thường viết về các sai phạm cụ thể của các quan chức địa phương và “không liên quan đến chế độ” hay “thể chế”, vì vậy, ở thời điểm đó, ông không tiên liệu rằng mình sẽ bị bắt giam. Ông Danh thậm chí còn cho rằng việc làm của cá nhân ông và của nhóm “nên được khuyến khích”.

Ngược lại, dưới góc nhìn của nhà chức trách, như được nêu trong cáo trạng, việc làm của ông Danh và nhóm Báo Sạch bị quy là “làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý nhà nước tại các địa phương; gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định lòng tin trong nhân dân đối với nhà nước, chính quyền các cấp; gây mâu thuẫn, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…”

Hôm 26/4 năm nay, ít ngày sau khi gần như toàn bộ các thành viên nhóm Báo Sạch bị nhà chức trách Việt Nam bắt tạm giam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ra thông cáo nói rằng “Việc bắt giữ 4 nhà báo này là những vụ bắt giữ mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại về việc giam giữ và kết án các công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam”.

Vẫn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi giới chức Việt nam “trả tự do cho tất cả những ai đang bị giam giữ bất công và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được bày tỏ quan điểm một cách tự do mà không sợ bị trả thù”.

Mỹ cũng đề nghị chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng hành động của họ phải phù hợp với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp của chính Việt Nam cũng như phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, ông Ned Price nói.

Ở thời điểm các thành viên Báo Sạch bị bắt, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người đó và thúc giục bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ.