Cảnh báo suy thoái đa dạng sinh học ở Châu Á

Ảnh tư liệu - Hơn 150 con cá voi bị mắc cạn tại vịnh Hamelin phía Tây Australia ngày 23/3/2018.

“Đa dạng sinh học—khác biệt quan trọng về các dạng đời sống trên Trái đất—tiếp tục suy thoái tại từng khu vực trên thế giới, làm giảm thiểu đáng kể khả năng của thiên nhiên góp phần vào an sinh nhân loại,” theo phúc trình mới nhất của Diễn đàn liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái (IPBES).

Phúc trình gồm 4 đánh giá về châu Á-Thái Bình Dương cũng như 3 vùng chính khác trên thế giới. Trên 120 chuyên gia từ 27 nước đóng góp vào việc soạn thảo phúc trình vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm hơn 60 quốc gia, là nơi có 17 trong số 36 điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Gần 200 triệu người trong khu vực phụ thuộc trực tiếp vào rừng về những sản phẩm rừng không phải là gỗ, thuốc men, lương thực, xăng dầu cũng như những nhu cầu khác để tồn tại.

Những dịch vụ về đa dạng sinh học và hệ sinh thái đã góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ năm 1990 đến năm 2010, làm lợi cho hơn 4,5 tỉ người.

Tuy nhiên, báo cáo nói, khu vực này đang đối mặt với những đe dọa chưa từng có trước đây, từ thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao cho đến các loài xâm lấn, nông nghiệp tăng cường, chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng.

Chẳng hạn như 60% đồng cỏ bị suy thoái vì gia súc gặm cỏ quá mức, việc xâm nhập của các chủng loài lạ, hay việc chuyển thành đất nông nghiệp đưa đến hậu quả là suy thoái nhanh chóng các quần thể thực vật và động vật bản địa. Tám trong số mười con sông bị ô nhiễm vì chất plastic nhiều nhất trên thế giới nằm tại châu Á. Gần 25% các chủng loại đặc hữu trong vùng bị đe dọa.

Phúc trình cũng ghi nhận một số thành công đa dạng sinh học quan trọng, trong đó có việc gia tăng những khu vực được bảo vệ. Trong 25 năm qua, những khu vực biển trong vùng được bảo vệ tăng gần 14% và những vùng đất được bảo vệ tăng 0,3%.

Bảng đánh giá cũng cho biết là tập tục nuôi trồng thủy hải sản không bền vững, đánh cá quá mức và việc thu hoạch bừa bãi cũng đồng nghĩa với việc lượng cá khai thác sụt giảm đáng kể- thậm chí cạn kiệt hoàn toàn- có lẽ sẽ xảy ra trong vòng 30 năm nữa.

Vẫn theo phúc trình, khí hậu cũng ảnh hưởng đến việc phân phối các chủng loại, kích cỡ, thời điểm sinh sản và di trú.

Tầng số dịch bệnh bùng phát gia tăng, hệ quả của những thay đổi này có thể có thêm những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và an sinh nhân loại.

Tác nhân chính của việc sụt giảm đa dạng sinh học tại Tây Á và châu Đại dương là biến đổi khí hậu; trong khi đó tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Nam Á, sản xuất nông nghiệp là mối đe dọa lớn nhất, phúc trình cho biết.

Rừng, hệ sinh thái núi, nước ngọt trong đất liền, và đầm lầy, cũng như hệ thống bờ biển cũng được xem như bị đe dọa nhiều nhất trong hệ sinh thái châu Á- Thái Bình Dương.

Bảng đánh giá cũng đề cập đến giá trị của những khảo hướng và nhận diện căn cứ trên hệ sinh thái, trong đó có việc thiếu quản lý chất thải rắn, cũng như ô nhiễm không khí, nước và đất là những yếu tố phá hoại những gì đạt được trong một số những Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi và những Mục tiêu Phát triển Bền vững đối với nhiều quốc gia.