Châu Á tiếc thương nhà cách mạng hòa bình Mandela

Ông Nelson Mandela chào các ủng hộ viên Đảng Nghị hội Toàn quốc Nam Phi, ANC. Ông là Chủ tịch đảng ANC, 25/2/1994

Tóm lược tiểu sử ông Mandela

Tóm lược tiểu sử ông Mandela

1918 - Sinh ở Transkei, Nam Phi
1944 - Gia nhập Ðại Hội Dân tộc Phi châu ANC
1956 - Bị truy tố về tội phản nghịch, sau đó được miễn tố
1962 - Bị cáo buộc tội phá hoại và kết án tù 5 năm
1964 - Bị kết án tù chung thân vì âm mưu lật đổ chính quyền
1990 - Ðược phóng thích khỏi nhà tù
1991 - Ðược bầu làm Chủ tịch ANC
1993 - Ðoạt giải Nobel Hòa bình
1994 - Ðắc cử tổng thống Nam Phi
1999 - Quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì
2004 - Rút lui khỏi đời sống công cộng
2007 – Thành lập nhóm Bô lão
2011 - Nhập viện trong thời gian ngắn vì nhiễm trùng phổi
2012 - Lại phải nhập viện vì sạn thận
2013 - Ðược điều trị chứng nhiễm trùng phổi tái phát, từ trần ngày 5 tháng 12
Khắp châu Á hôm nay, những người cổ xuý cho dân chủ, các nhà lãnh đạo chính trị và người dân thường đều tuyên dương ông Mandela như một nhà cách mạng hòa bình. Thông tín viên đài VOA Bill Ide tường thuật rằng giới hữu trách Trung Quốc bày rỏ lòng thương tiếc sâu xa, trong khi một số người suy ngẫm về câu hỏi người nào ở Trung Quốc giống nhất với chiến sĩ tranh đấu cho tự do của Nam Phi.

Tại châu Á, chính lòng can đảm và bác ái của ông Mandela là nguồn khích lệ ở những nơi mà dân chúng còn phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt về quyền tự do cơ bản.

Từ người dân thường cho đến các khôi nguyên giải Nobel, nhiều người đã dành thời giờ để vinh danh một người đã trở thành biểu tượng cho lập trường tranh đấu cho tự do một cách ôn hòa.

Chính trị gia đối lập của Miến Ðiện và cũng là khôi nguyên giải Nobel hòa bình, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố vị tổng thống đầu tiên của Nam Phi được bầu lên theo thể thức dân chủ đã giúp thế giới hiểu được rằng không ai phải bị trừng phạt vì mầu da của mình hay vì những tình huống lúc sinh ra. Bà nói:

“Ông cũng làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới. Chúng ta có thể thay đổi thế giới bằng cách thay đổi thái độ, thay đổi các nhận thức. Vì lý do này mà tôi muốn tuyên dương ông như một con người vĩ đại đã nâng cao tiêu chuẩn của nhân loại.”

Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong, Ðức Ðạt lai Lạt ma, cũng là một khôi nguyên giải Nobel hòa bình, nói ngài coi ông Mandela như một người anh đáng kính. Ðức Ðạt lai Lạt ma nói ngài hy vọng những người đang tiếc thương sự ra đi của ông sẽ dùng sự ra đi đó là một nguồn khích lệ. Ngài nói:

“Đây là một giờ khắc rất buồn cho những người kể cả tôi ngưỡng mộ con người vĩ đại ấy. Buồn, hãy cảm nhận nỗi buồn, và cầu nguyên, nhưng như vậy cũng không có mấy ý nghĩa. Làm thế nào để chúng ta phải phát triển sự quyết tâm hay nhiệt tình để nối tiếp tinh thần này, ấy mới là điều thực sự quan trọng. Bởi vì đôi khi nỗi buồn có thể biến thành ý chí mạnh hơn.”

Tổng thống Ấn Ðộ đề cập đến sự kiện thế giới đã mất đi thêm một thần tượng của nhân loại như thế nào, và như ông nói đó là “một nhà tranh đấu, một chiến sĩ, một người đi tiên phong chống lại mọi sự bất công.” Ông so sánh ông Mandela với chính vị quốc phụ của Ấn độ là Mahatma Gandhi.

Tại New Delhi, cư dân Hemant Khurana cũng có chung cảm nghĩ ấy:

“Ðây là một tin rất kinh động cho toàn thế giới bởi vì ông ấy là một trong các nhân vật vĩ đại trên thế giới ngày nay. Và ông ấy đã được sự khích lệ rất nhiều của thánh Gandhi, vì vậy mà Ấn Ðộ có một cảm nghĩ đặc biệt đối với một người vĩ đại như thế.”

Bên ngoài các đại sứ quán của Nam Phi từ Australia cho tới Trung Quốc, một số người đã đến để bày tỏ lòng kính trọng. Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nhiều sinh viên trẻ tuổi Trung Quốc đã tụ tập và nói về ảnh hưởng của ông Mandela.

Sinh viên này nói ông Nelson Mandela đã tranh đấu cho tự do và là một chiến sĩ trong suốt cuộc đời ông. Ông không đầu hàng vì những trở ngại nhất thời hay bởi vì không có tiến triển. Tinh thần của ông đã đánh động chúng ta.

Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi ông Mandela như một chính khách lừng danh thế giới và nhận xét về cách thức ông đã lãnh đạo nhân dân Nam Phi trong cuộc tranh đấu chống chế độ a-pac-thai.

Ông Tập Cận Bình cũng nêu ra những đóng góp của ông đối với bang giao với Trung Quốc và ông Mandela đã là một trong những người sáng lập quan hệ song phương của Bắc Kinh với Pretoria như thế nào. Năm 1998, Nam Phi đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Ðài Loan qua Trung Quốc.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt ca ngợi ông Mandela và tin ông qua đời đã chiếm ngự phần lớn các bản tin trên truyền hình nhà nước, với các bình luận gia công khai bàn về việc ông đã là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do và dân chủ như thế nào.

Trong khi các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc so sánh ông Mandela với ông Mao Trạch Ðông, một số nêu ra rằng cựu lãnh tụ Singapore Lý Quang Ðiệu hồi đầu năm nay đã so sánh ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, các nhận định đó, tuy đã gây tranh luận sôi nổi, và những bài đăng đã mau chóng bị lấy xuống khỏi các trang mạng xã hội.

Trên mạng Internet, một số đưa ra những so sánh với các nhà tranh đấu cho nhân quyền, kể cả khôi nguyên giải Nobel hòa bình đang bị cầm tù là ông Lưu Hiểu Ba.

Những người khác tự hỏi liệu Trung Quốc có thể sản sinh ra một cá nhân tương tự như chính khách Phi châu này hay không. Sử gia Chương Lập Phàn nói điều đó khó có thể có được.

Ông Chương nói nhiều người có thể nêu câu hỏi trên mạng liệu Trung Quốc có thể nào sản sinh ra một người nào tương tự như ông Mandela, và một số người cho rằng đó là một vấn đề văn hóa. Ông nói ông đồng ý và nêu ra rằng nền văn hóa mà đảng Cộng sản đã tạo ra trong xã hội Trung Quốc khiến rất khó mà có được một người nào như ông Mandela.

Tác giả Hà Bảo Quốc viết trên trang Weibo rằng nếu ông Mandela sinh ra ở Trung Quốc thì ông sẽ bị tra tấn trong tù và buộc phải thú tội trên đài truyền hình nhà nước.

Thế giới thương tiếc cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela