Cháy nhà ở Sài Gòn, 6 người trong gia đình thiệt mạng

Your browser doesn’t support HTML5

Hôm 16/12, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM xác nhận với VOA có 6 người trong một gia đình ở Sài Gòn đã bị thiệt mạng trong ngôi nhà phát hỏa vào lúc nửa đêm 15/12.

Theo thông tin từ Đại tá Lê Tấn Bửu, ngôi nhà bị cháy nằm trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Ngôi nhà có 2 tầng nhưng chỉ có một cửa ra vào, vừa được sử dụng để ở vừa kinh doanh buôn bán.

Đại tá Bửu nói với VOA:

“Khi xảy ra sự cố cháy nửa đêm, nhà thì diện tích nhỏ, số người thì đông, chật hẹp, không có lối thoát nạn nên dẫn đến chết 6 người và 2 người bị thương. Đây là vụ cháy mà chết chủ yếu do ngạt khói và không có lối thoát, không kịp thoát ra từ ban đầu”.

Nạn nhân là hai vợ chồng chủ nhà và 3 con gái từ 1 – 7 tuổi, cùng với một cô cháu của chủ nhà.

Tin cho hay sau khi phát hiện có khói bốc ra từ ngôi nhà, một số người dân đã tìm cách dập lửa và giải cứu những người bên trong. Nhưng do hỏa hoạn xảy ra vào lúc người trong nhà đang say ngủ, ngôi nhà lại bị khóa trái nên chỉ có vài người ở tầng trên thức giấc và đã nhảy từ lan can xuống đất để thoát thân.

Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết thêm rằng có khá nhiều xe gắn máy trong ngôi nhà bị cháy đêm 15/12. Ông nói:

“5, 6 xe gắn máy nhưng để cùng một nơi, cạnh cửa ra vào. Khi xảy ra cháy thì có lượng xăng dầu từ các xe này. Hiện nay về nguyên nhân thì cơ quan chức năng chúng tôi đang điều tra làm rõ, nhưng xuất phát cháy là từ chỗ khu vực này”.

Đại diện cơ quan PCCC cho biết nhiều ngôi nhà trong địa bàn TP.HCM đã tồn tại từ rất nhiều năm, không tuân thủ các quy định về an toàn cháy nổ. Thêm vào đó, vì nhu cầu cuộc sống, nhiều người dân đã tự cải tạo nhà ở để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Điều này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ rất cao do các vật liệu, hàng hóa dễ cháy chứa trong nhà, cộng với việc sinh hoạt, bếp núc diễn ra trong một diện tích chật hẹp.

Đại tá Lê Tấn Bửu nói:

“Những ngôi nhà xây dựng sau này theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, thì tốt. Nhưng những ngôi nhà tồn tại từ trước thì cái này cần phải có sự cảnh báo và có các giải pháp”.

Giải pháp đầu tiên, theo Đại tá Bửu, là mỗi ngôi nhà nên trang bị các thiết bị chữa cháy tại nhà, học các kỹ năng thoát hiểm và kiểm tra thường xuyên những khu vực có các vật liệu dễ cháy, nhất là khi ngôi nhà được dùng thêm vào mục đích kinh doanh.

Ngoài ra, ông Bửu đề nghị với mỗi hộ dân:

“Phải có lối thoát nạn, thoát hiểm khẩn cấp. Lối thoát nạn khẩn cấp nghĩa là gì? Là trong bất kỳ điều kiện nào khi xảy ra sự cố, có thể anh trổ lên mái nhà để thoát đi. Có thể anh nhảy qua ban công sang nhà người kế bên. Có thể anh có một cái thang, thang cuốn hay thang dây…, để có thể từ trên thoát xuống, nhanh chóng ra khỏi vùng nguy hiểm”.

Về phía cơ quan chức năng, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM nói sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc phòng cháy chữa cháy ở các hộ dân, đặc biệt là trong dịp cuối năm có nhiều tiệc tùng, lễ hội. Ông Bửu hứa sẽ kiên quyết xử phạt nặng đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, Đại tá Bửu khuyên người dân nên ghi nhớ số 114 và gọi vào số này càng sớm càng tốt khi phát hiện có hỏa hoạn.

Cũng tại TP.HCM ngày 16/12, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại một cây xăng gần chợ Hạnh Thông Tây, Q. Gò Vấp, khiến các tiểu thương và người dân xung quanh bỏ chạy tán loạn.

Thống kê của Cục PCCC cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tại Việt Nam đã xảy ra hơn 1500 vụ cháy khiến 31 người tử vong, 181 người bị thương và gây thiệt hại về tài sản hơn 8 tỷ đồng.