Chế tài là vấn đề thiết yếu trong các cuộc đàm phán về Iran

Người Iran cầm những tấm poster hình tổng thống Rouhani trong khi chào đón đoàn đàm phán về hạt nhân Iran khi họ tới sân bay Mehrabad, Iran, 24/11/2013. (AP Photo/ISNA, Hemmat Khahi, File)

Nới lỏng chế tài cho Iran là điều kiện tiên quyết của động cơ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này hợp tác với các cường quốc thế giới trong nỗ lực hạn chế các yếu tố trong hoạt động hạt nhân của Iran.

Thỏa thuận tạm thời đạt được mới đây ở Geneva đình chỉ chương trình hạt nhân của Iran trong thời gian sáu tháng. Trong khi đó, các nhà thương thuyết sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao nhắm mục tiêu vào một kế hoạch toàn diện bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của Iran sẽ được sử dụng chỉ cho các mục đích hòa bình.

Ðổi lại, Iran nhận được điều mà các chuyên gia coi là một sự nới lỏng khiêm tốn các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính của quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế của Iran.

Iran đề xuất các nhượng bộ

Ông Joel Rubin, một chuyên gia về Iran thuộc Quỹ Ploughshares, một tổ chức về an ninh toàn cầu, nói rằng thỏa thuận tạm thời chứa các nhượng bộ đáng kể của Iran mà các cường quốc sẽ theo dõi sát.

Ông Rubin nói: “Loại trừ nhiên liệu uranium tinh chế ở mức 20 phần trăm – kho dự trữ đó sẽ không còn nữa. Thứ nhì, ngưng xây dựng tại cơ sở plutonium Arak - việc đó nay sẽ bị đình chỉ. Và thứ ba là gia tăng các cuộc thanh sát cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran đến mức sẽ có các cuộc kiểm tra hàng ngày - để chúng ta có thể thấy thực sự họ sở hữu cái gì và cảm thấy rõ hơn những hạn chế cần phải áp đặt. Ðó là ba thắng lợi cốt lõi của phương Tây.”

Trong khi các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cùng với Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, đã áp đặt các biện pháp chế tài để làm áp lực buộc Iran phải hạn chế việc tinh luyện uranium, có thể được sử dụng cho các mục đích dân sự hay quân sự. Tehran nói họ không phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ và EU không tin như thế.

Iran chịu tác động nặng nề

Ông Gary Hufbauer, một chuyên gia về chế tài thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng các biện pháp như thế đã làm giảm số lượng dầu hỏa xuất khẩu của Iran khoảng 50 phần trăm.

Ông Hufbauer nói: “Ngoài ra, các biện pháp chế tài đã cắt đứt các giao dịch tài chính giữa nhiều ngân hàng của Iran với phần còn lại của thế giới. Các ngân hàng đó không được phép có các giao dịch tài chính qua hệ thống SWIFT, là cơ chế liên ngân hàng cho các giao dịch tài chính có cơ sở ở Brussels. Ðó là một khiếm khuyết lớn, bởi vì anh không thể thực hiện các giao dịch tài chính, rất khó mua bán hàng hóa.”

Hậu quả của các biện pháp chế tài đó là lạm phát và thất nghiệp đã tăng đáng kể, trong khi trị giá chỉ tệ của Iran là đồng rial, xuống dốc.

Các chuyên gia cho rằng một diễn biến chính trị chủ yếu cách đây vài tháng là việc ông Hassan Rouhani đắc cử tổng thống Iran. Ông là nguời ủng hộ việc tiếp xúc với phương Tây và đã ra tranh cử dựa trên cương lĩnh phục hồi nền kinh tế Iran.

Ông Gary Hufbauer tin rằng các biện pháp chế tài Tây phương đã đóng một vai trò trong kết quả bầu cử.

Ông giải thích: “Tôi cho rằng các biện pháp chế tài đã có công trong việc ông Rouhani đắc cử. Và tôi cũng ghi công thêm cho các biện pháp này về sự kiện là ông đã đến bàn thương nghị - và chúng ta đã có được thỏa thuận tạm thời này. Nó có giải quyết tất cả các vấn đề hay không? Dứt khoát là không, nhưng đó là một thỏa thuận quan trọng đầu tiên mà chúng ta có thể nói có được trong 20 năm. Do đó, đúng thế, các biện pháp chế tài đã thúc đẩy khá nhiều cho cuộc đối thoại ngoại giao.”

Thỏa thuận nới lỏng một số biện pháp chế tài

Ông Hufbauer nói thỏa thuận tạm thời quy định việc bãi bỏ trong sáu tháng một số biện pháp chế tài, với điều kiện Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

“Iran sẽ được giải ngân bốn tỷ rưỡi đôla đã bị phong tỏa từ trước. Vì thế họ có thêm bốn tỷ rưỡi đôla ngay khi họ thực hiện phần vụ của mình trong thỏa thuận. Sẽ được phép sửa chữa máy bay Iran vì các lý do an toàn - chỉ vì lý do an toàn mà thôi. Các công ty không phải của Hoa Kỳ sẽ được phép tham gia vào công nghiệp ô tô, bán ô tô, và tham gia vào công nghiệp này ở Iran.”