TQ lại đả kích việc trao tặng giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba

  • Stephanie Ho

Ông Lundestad nói trong quá khứ đã có những trường hợp người được trao giải không thể tới nhận, nhưng một số người cho rằng những trường hợp này có ý nghĩa nhất trong lịch sử 109 năm của Viện Nobel

Trung Quốc lại đả kích cộng đồng quốc tế về việc trao tặng Giải Nobel Hòa Bình cho nhân vật bất đồng chánh kiến bị cầm tù Lưu Hiểu Ba - khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày tổ chức lễ trao giải thưởng tại Na Uy.

Chính phủ Trung Quốc tố cáo Ủy Ban Giải Nobel là công khai ủng hộ những hoạt động phạm pháp tại Trung Quốc bằng cách trao giải Nobel Hòa Bình năm nay cho nhà văn Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù.

Nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Khương Du, mô tả ông Lưu Hiểu Ba như là một tội phạm đang bị cầm tù vì vi phạm luật lệ Trung Quốc.

Bà nói nguyên văn rằng, việc trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm nay cho một phạm nhân Trung Quốc là “một hành động khiêu khích trắng trợn và can thiệp vào chủ quyền tư pháp của Trung Quốc.”

Ông Lưu Hiểu Ba là một nhà văn và cũng là một nhà hoạt động dân chủ đã nhiều năm. Năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù về tội lật đổ chính quyền. Ông là một trong những nhân vật then chốt đứng ra tổ chức Hiến Chương 08, một tuyên ngôn yêu cầu cải tổ chính trị toàn diện và tôn trọng hiến pháp.

Lại một lần nữa nữ phát ngôn nhân này nêu lên rằng chính phủ Trung Quốc tin rằng giải thưởng vừa kể là một hành động chính trị nhắm mục đích nhục mạ Trung Quốc.

Bà Khương Du nói rằng, trường hợp Lưu Hiểu Ba không phải là về tự do ngôn luận hay nhân quyền nhưng là về tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc.

Bà bênh vực hệ thống xã hội cùng đường hướng phát triển của Trung Quốc và nói rằng các nước khác không có quyền can thiệp vào.

Giải Nobel Hòa Bình năm nay có thể không được nhận lãnh bởi vì nhân vật được trao tặng giải đang bị cầm tù và chắc là Trung Quốc sẽ không cho ai trong gia đình ông được rời khỏi nước để tham dự lễ trao giải này.

Giám đốc Viện Nobel, ông Geir Lundestad, nói rằng trong quá khứ đã có những trường hợp là người được trao giải không thể đích thân tới nhận:

"Ông Carl von Ossietzki, một nhân vật chống đối Hitler, đã không thể tới nhận năm 1936. Ông Andrei Sakharov đã không thể tới nhận năm 1975. Ông Lech Walesa đã không tới nhận năm 1983. Bà Aung San Suu Kyi đã
không thể tới nhận năm 1991. Và ông Lưu Hiểu Ba có lẽ không thể tới nhận trong năm nay. Nhưng một số người lý luận rằng, các trường hợp này là những giải có ý nghĩa nhất trong lịch sử 109 năm của Viện Nobel chúng tôi."

Vợ ông Lưu Hiểu Ba, bà Lưu Hà, hiện bị giam giữ tại nhà ở Bắc Kinh và các thân nhân khác trong gia đình ông đang bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của cảnh sát.

Nhà chức trách Trung Quốc cũng ngăn không cho bạn bè ông Lưu Hiểu Ba tới Oslo để bày tỏ sự ủng hộ ông. Và nhà chức trách Trung Quốc cũng cật vấn các nhà báo nước ngoài xem họ có biết về buổi tụ họp nào được dự kiến tổ chức tại Trung Quốc vào ngày mùng 10 tháng 12 là ngày lễ trao giải Nobel Hòa Bình năm nay hay không.