Trung Quốc bênh vực Kế hoạch Phát triển ở Tây Tạng

  • Stephanie Ho

Chủ tịch Khu vực Tự trị Tây Tạng Padma Choling (phải) nói mục tiêu chủ yếu của ông vẫn là kiểm soát công cuộc phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho tất cả dân chúng ở Tây Tạng

Trung Quốc bênh vực kế hoạch kinh tế của họ ở Tây Tạng và nói rằng phát triển đã đem lại sự thịnh vượng cho tất cả dân chúng sống trong khu vực này. Trong khi đó, các nhà hoạt động Tây Tạng ở ngoài nước lên án điều mà họ coi là kế hoạch rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhắm mục đích xóa bỏ nền văn hóa và tôn giáo của họ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Các nhà hoạt động Tây Tạng vẫn hằng cáo buộc Trung Quốc là quảng bá các chính sách phát triển chủ yếu có lợi cho dân di trú thuộc khối đa số Hán tộc.

Ông Padma Choling, chủ tịch Khu vực Tự trị Tây Tạng, bác bỏ lời cáo buộc và nói rằng mục tiêu chủ yếu của ông vẫn là kiểm soát công cuộc phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho tất cả dân chúng ở Tây Tạng.

Giới chức này nói rằng chính quyền của ông sẽ bảo đảm rằng dân chúng ở Tây Tạng được hưởng sự thịnh vượng và điều mà ông gọi là một đời sống 'giàu có'. Ông nói chính quyền của ông sẽ bảo đảm sự an toàn tài sản và đời sống của họ.

Nhận định của ông Choling rõ ràng đề cập đến biện pháp mà chính phủ đã áp dụng để dập tắt các vụ bạo động vì lý do sắc tộc hồi tháng 3 năm 2008, khi những người Tây Tạng biểu tình đã biến thành bạo động và tấn công các cửa hàng của người Hán. Khoảng 21 người đã thiệt mạng trong các vụ biểu tình.

Bà Mary Beth Markey, chủ tịch tổ chức Vận động Quốc tế cho Tây Tạng, nói rằng nâng cao mức sinh hoạt có thể là một diễn biến tích cực cho khu vực. Nhưng bà nêu nghi vấn rằng công cuộc phát triển đã đem lại lợi ích đồng đều cho người Tây Tạng bản xứ và dân di trú Trung Quốc.

Bà nói tình hình bất ổn mới đây ở Tây Tạng và các khu vực khác của người Tây Tạng ở Trung Quốc là những dấu hiệu chứng tỏ có các vấn đề sâu xa còn tồn tại bất kể các tiến bộ về kinh tế.

Bà Markey nói: “Những gì chúng ta chứng kiến ở Ngaba, ở tu viện Kochi và vùng lân cận thường xuyên xảy ra ở khắp Tây Tạng. Đó là sự biểu lộ các căng thẳng tiềm ẩn hiện hữu và các vấn đề tiềm ẩn rằng mà Trung Quốc đã không giải quyết được qua việc làm ngơ trước những ưu tiên của Tây Tạng.”

Nhân vật tinh thần hàng đầu của Tây Tạng, Đức Đạt lai Lạt ma, đã bỏ trốn sang Ấn Độ vào năm 1959 và sống lưu vong ở đó cho đến nay. Trước đây trong năm, ngài đã từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị của phong trào lưu vong. Hồi tháng 4, người Tây Tạng lưu vong đã bỏ phiếu bầu ông Lobsang Sangay, 42 tuổi để thay thế Đức Đạt lai Lạt ma nay đã 75 tuổi.

Nhưng việc Đức Đạt lai Lạt ma rời bỏ sinh hoạt chính trị dường như đã không thay đổi lập trường của Trung Quốc đối với ông.

Ông Padma Choling nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng người ông đề cập đến với danh xưng “Đạt lai” chưa hề làm được điều gì có ích lợi cho dân chúng Tây Tạng, theo nguyên văn lời ông. Đồng thời, ông Choling còn nói chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ đàm phán với ông hay các đại diện của ông.

Ông Choling nói không có cơ sở để tiếp xúc giữa chính phủ Trung Quốc và chính phủ lưu vong Tây Tạng, mà ông nói là một tổ chức bất hợp pháp.

Bà Mary Beth Markey gọi chủ trương của Trung Quốc là một sai lầm bởi vì chủ trương này không tính tới sự kiện là đặc thù của người Tây Tạng phát xuất từ nền văn hóa của họ chứ không phải từ Đức Đạt lai Lạt ma.

Bà Markey nói tiếp: “Khi Đức Đạt lai Lạt ma tạ thế, là điều sẽ xảy ra, thì sẽ có một ban lãnh đạo lưu vong của Tây Tạng, và sẽ có những tiếng nói từ bên trong Tây Tạng còn hối thúc cho các cải cách chính trị như thế này. Vì thế tôi cho rằng thực là điên rồ về phía Trung Quốc nếu nghĩ rằng khi Đức Đạt lai Lạt ma rời khỏi hành tinh này, thì họ sẽ không còn vấn đề Tây Tạng nữa. Đơn thuần là chuyện này sẽ không xảy ra.”

Mặc dầu chính phủ liên tục nói xấu Đức Đạt lai Lạt ma và cấm trưng bầy các hình ảnh của ngài ở chỗ công cộng, nhiều người sắc tộc Tây Tạng ở Trung Quốc vẫn ngưỡng mộ ngài.