Lại xảy ra thêm các vụ tấn công ‘khủng bố’ ở Tân Cương

  • William Ide

Tín đồ Hồi giáo rời khỏi đền thờ sau buổi cầu nguyện buổi trưa ở Kashgar

Nhà chức trách Trung Quốc cho hay 2 vụ tấn công tại vùng Tân Cương hẻo lánh của nước này đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, trong đó có 5 kẻ tấn công, và hơn 40 người khác bị thương. Các giới chức Trung Quốc nói 2 sự cố xảy ra hồi khuya thứ bẩy và chiều chủ nhật tại thành phố Kashgar, đều là những vụ tấn công khủng bố. Nhà chức trách cũng khẳng định ít nhất 1 trong những người đứng đầu vụ tấn công hôm Chủ nhất đã được huấn luyện về khủng bố ở Pakistan. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc nói rằng loạt bạo động tại Tân Cương bắt đầu khi 2 quả bom làm rung chuyển đường phố ở Kashgar. Nhà chức trách nói một giờ sau khi xảy ra các vụ nổ, tại một con đường gần đó, 2 phần tử khủng bố cướp một chiếc xe tải, giết người tài xế, rồi lái chiếc xe đâm vào một đám người đi bộ. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc tường thuật rằng những kẻ tấn công sau đó đã ra khỏi xe tải và bắt đầu đâm chém những người qua lại.

Chính quyền thành phố Kashgar nói có 8 người qua đường bị giết trong vụ bạo động, một kẻ tấn công bị hạ sát, và một tên khác bị bắt.

Vào chiều chủ nhật, nhà chức trách nói một nhóm người đông hơn đã thực hiện vụ tấn công thứ hai, đâm chết người chủ một nhà hàng ăn và một người hầu bàn, rồi nổi lửa đốt nhà hàng. Những kẻ tấn công sau đó đã chạy ra khỏi nhà hàng và bắt đầu đâm chém bừa bãi những người qua lại, làm 4 người thiệt mạng và 15người bị thương. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc loan tin 4 trong số những kẻ tấn công bị bắn chết sau khi rời khỏi nhà hàng và 1 tên khác sau đó chết tại bệnh viện.

Chính quyền thành phố Kashgar đã ra trát bắt 2 kẻ tấn công trốn thoát và treo giải thưởng hơn 15 ngàn đôla cho bất cứ thông tin nào dẫn tới việc bắt được các thủ phạm. Cả hai đều là thành viên của nhóm sắc tộc thiểu số Uighur ở Tân Cương. Chính quyền thành phố xác nhận hai người này là Memtieli Tiliwaldi 29 tuổi, và Turson Hasan 34 tuổi.

Chính quyền thành phố Kashgar nói dựa vào lời thú tội của một trong những người bị cáo buộc là kẻ tấn công, ít nhất 1 trong các thủ lãnh nhóm đã tham gia vào vụ tấn công hôm chủ nhật đã được huấn luyện về súng và chất nổ ở Pakistan và sau đó trở về Tân Cương.

Thông cáo nói rằng người cầm đầu này đã được huấn luyện tại một trại có cơ sở ở Pakistan của Phong trào Hồi Giáo Đông Turkestan, một tổ chức bị cấm hoạt động đòi độc lập cho Tân Cương.

Người ta không tiếp xúc được với người phát ngôn của chính quyền thành phố Kashgar để ghi nhận lời bình luận.

Tân Cương là nơi sinh cư của hàng triệu người Uighur theo hồi giáo căm giận về điều mà họ nói là mấy chục năm cai trị áp bức của Bắc Kinh và luồng người Hán tộc di trú đổ vào Tân Cương mà người Uighur không tán thành.

Ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của Đại hội Uighur Thế giới, nêu nghi vấn về cách tường thuật các vụ việc của Trung Quốc và nói rằng việc thiếu các phương tiện hợp pháp để lên tiếng về những khiếu nại trong khu vực có thể đẩy một số người đến chỗ dùng bạo lực.

Ông Raxit nói không có cách nào để người Uighur phản đối bằng phương tiện ôn hòa, và Bắc Kinh phải thừa nhận trách nhiệm về những gì xảy ra trong khu vực .

Ông nói theo những gì ông đã nghe được, dân chúng tại Kashgar đã bị cấm rời khỏi nhà và nhà chức trách đã bắt giữ thêm 100 người.

Hai vụ tấn công kết thúc một tháng bạo lực ở Tân Cương. Chưa đầy 2 tuần lễ trước vụ tấn công ở Kashgar, một nhóm 14 người đàn ông đã xông vào một trạm cảnh sát, theo như lời cáo buộc. Theo tin tức của chính phủ, có 18 người bị giết sau khi nhóm người kia bắt con tin. 14 người thiệt mạng trong vụ này là những kẻ tấn công. 4 người còn lại đã bị bắt giữ và nhà chức trách chưa công bố thêm chi tiết – như tên tuổi của họ hay nguyên do đã đưa đến vụ tấn công.

Trong vụ tấn công đó, các chuyên gia phân tích về khủng bố Trung Quốc gợi ý rằng sự liên hệ với các tổ chức khủng bố ở Pakistan có thể là một yếu tố. Phát ngôn viên của Đại hội Uighur Thế giới, ông Raxit nói rằng chính phủ Trung Quốc luôn tìm cách liên kết những sự cố như thế với khủng bố.

Ông Raxit nói chính phủ Trung Quốc dùng các biện pháp trấn át nhắm vào các vụ biểu tình, và tìm cách né tránh trách nhiệm bằng cách gán ghép mọi hành động phản đối với các tổ chức khủng bố.

Trung Quốc bác bỏ khẳng định của Đại hội Uighur Thế giới và sau đó lại lên án nhóm này là chủ mưu một vụ bạo động ở Urumqu vào năm 2009, khiến gần 200 người thiệt mạng. Đa số thương vong trong vụ này là thành viên của nhóm người Hán tộc của Trung Quốc.