Chính phủ Syria không cho viện trợ y tế tới thường dân

  • Lisa Schlein

Người dân đi trên đống đổ nát tại nơi bị trúng một quả bom thùng trong khu vực do phiến quân kiểm soát Old Aleppo, Syria, ngày 11 tháng 7 năm 2016.

Giới chức Liên Hiệp Quốc tố cáo chính phủ của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, khước từ viện trợ y tế cho hàng trăm ngàn thường dân bị kẹt trong các vùng bị bao vây. Các giới chức cho hay dân chúng đang chết dần chết mòn vì thiếu thuốc men và điều trị y tế.

Một cố vấn đặc biệt về Syria, ông Jan Egeland, cho hay công tác cung cấp thực phẩm và hàng tiếp tế cứu trợ cho hàng trăm ngàn dân Syria tại các khu vực bị vây hãm đang đạt tiến bộ, dù chưa đủ.

Tuy nhiên, ông Egeland cho biết Liên Hiệp Quốc và các cơ quan đối tác viện trợ không thể cung cấp chăm sóc y tế cho tất cả thường dân có nhu cầu tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Ông nói quá nhiều người bị suy dinh dưỡng và thậm chí là đang chết đói vì thiếu thực phẩm, nhưng ông lưu ý rằng thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới chính là tử thần đáng gờm nhất hiện nay.

Ông Egeland nói: “Bên trong các khu vực này, dân đang đổ máu chờ chết. 1/3 số nạn nhân trúng thương do chiến tranh là phụ nữ và trẻ em, không phải các chiến binh mà là phụ nữ và trẻ em. Họ đang đổ máu cho đến chết vì không được sơ tán, không có được sự hỗ trợ cần thiết, ở đó không có bác sĩ, không có thiết bị phẫu thuật. Thậm chí họ có thể chết vì bị tấn công ngay trên giường bệnh tại các bệnh viện.”

Một khảo sát hồi năm 2014-2015 của Tổ chức Y tế Thế giới trên 19 quốc gia cho thấy các vụ tấn công nhắm vào các cơ sở y tế và đội ngũ chăm sóc sức khỏe xảy ra nhiều nhất tại Syria.

Giám đốc WHO ở Syria, bà Elizabeth Hoff, chỉ trích hành động nhắm mục tiêu tàn phá các cơ sở y tế và thiếu sự bảo vệ đối với các y bác sĩ. Bà cho biết những người Syria trong các vùng bị vây hãm không được chăm sóc sức khỏe vì chính phủ loại bỏ các phẩm vật y tế ra khỏi các chuyến xe chở hàng viện trợ.

Bà Hoff nói: “Chúng tôi đặc biệt hết sức quan ngại vì các hành động tàn phá tác động chủ yếu tới thường dân mà thiết bị phẫu thuật lại cứ bị loại ra khỏi các đoàn xe cứu trợ, cả thuốc kháng sinh, trụ sinh cũng vậy, cũng bị gạt ra. Thường dân không được điều trị thích hợp có thể chết trong hòa bình vì họ không được nhận thuốc giảm đau cần thiết và sự điều trị để thuyên giảm tại nhiều nơi trong các khu vực bị bao vây.”

Liên Hiệp Quốc đề ra ngày 1/8 là thời hạn chót để tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay có cuộc họp với Tổng thống Nga, Vladimir Putin tại Moscow.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, nói 2 cường quốc này là phương tiện để đưa tới vòng đàm phán mới trong các cuộc thương lượng hòa bình cho Syria vốn khởi sự hồi tháng 3. Ông cho biết ông hy vọng cuộc họp lần này sẽ mang lại hiệu quả khiến tất cả các bên trở lại bàn hòa đàm.