Chính phủ thanh tra Bộ Y tế, Hà Nội, Tp.HCM về mua sắm cho dịch COVID

Thanh tra Chính phủ VN sẽ lật lại nhiều việc mua sắm của ngành y tế liên quan đến dịch COVID.

Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai 3 cuộc thanh tra về mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế cũng như tại các ủy ban nhân dân của hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh trong quý I năm 2022.

Đây là kế hoạch để thực thi một cách cụ thể những nhiệm vụ do thủ tướng giao cho cơ quan Thanh tra Chính phủ nhằm mục đích chống lãng phí, tiêu cực, các báo trong nước cho hay hôm 4/1/2022, dẫn lại một báo cáo của cơ quan này gửi lên thủ tướng.

Báo cáo nói trong thời gian tới, bên cạnh 3 cuộc thanh tra đáng chú ý nêu trên, Thanh tra Chính phủ cũng hướng dẫn bằng văn bản cho các bộ, ngành, địa phương về xây dựng kế hoạch thanh tra cho năm 2022, trong đó có nội dung về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống COVID-19.

Kế hoạch thanh tra đối với Bộ Y tế và hai thành phố lớn nhất của Việt Nam được công bố giữa lúc vụ bê bối mua bán các bộ xét nghiệm của công ty Việt Á tiếp tục có những diễn biến mới.

Báo chí Việt Nam loan tin rằng đến ngày 31/12/2021, ít nhất 19 người bị Bộ Công an khởi tố vì có vai trò trong vụ thổi giá-đưa, nhận hối lộ khi mua bán các bộ xét nghiệm của Việt Á.

Trong số những người đó, có 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp vụ thuộc hai bộ Y tế, Khoa học-Công nghệ bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hàng chục người khác thuộc diện bị tình nghi.

Như VOA đã đưa tin, vụ bê bối lộ ra trong 10 ngày cuối tháng 12/2021 khi công an khởi tố và bắt giam ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, vì vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bộ xét nghiệm COVID-19.

Điều tra ban đầu của nhà chức trách cho thấy Việt Á đã cung cấp các bộ xét nghiệm cho các cơ quan y tế của 62/63 tỉnh, thành trên cả nước Việt Nam với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Nhà chức trách cáo buộc rằng ông Phan Quốc Việt lợi dụng tình hình dịch bệnh để "bắt tay" với các quan chức cấp địa phương nâng giá bộ xét nghiệm và hưởng lợi bất chính số tiền lớn.

Điều này được nhắc lại và nhấn mạnh trong một báo cáo của chính phủ trình lên quốc hội, được báo chí dẫn lại hôm 4/1.

Trong báo cáo, chính phủ đánh giá rằng vụ bê bối Việt Á là vụ “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

“Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo một đoạn của báo cáo.

Giới quan sát đưa ra những tính toán cho rằng số tiền các quan chức được chia chác, đút tút có thể vào khoảng 800 tỷ đồng. Vụ việc đang gây phẫn nộ to lớn trong dư luận Việt Nam.

Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam, điểm lại rằng toàn bộ vụ việc có sự “chuẩn bị rất công phu, có mục tiêu chính sách được thiết lập rõ ràng, và được thực hiện qua các công đoạn đầy đủ theo quy trình pháp luật cũng như việc xây dựng tính chính danh qua hệ thống truyền thông chính thống”.

Ông Thành nhận định rằng “Với tính chất quy mô và bài bản như vậy, có thể nói đây là một bằng chứng cho thấy tham nhũng của Việt Nam đã tiến từ giai đoạn tham nhũng hành chính và tham nhũng chính sách sang một giai đoạn mới, có tính chất hoàn toàn khác, là lũng đoạn nhà nước”.

Theo nhà nghiên cứu này, “sự tiến hóa từ tham nhũng nhỏ lẻ lên tham nhũng có hệ thống, tham nhũng và thao túng chính sách, rồi lên đến giai đoạn lũng đoạn nhà nước, là bước phát triển về chất của sự suy thoái xã hội”, và ông khuyến cáo rằng Việt Nam “cần nhìn nhận rõ thực trạng này … để chuẩn bị cho những giải pháp đối phó … phù hơp với bản chất nghiêm trọng của vấn đề”.

Your browser doesn’t support HTML5

Chính phủ thanh tra việc mua sắm cho dịch COVID