Chính phủ xem xét bắt buộc cài Bluezone, dân lo ngại bảo mật thông tin

Nhân viên y tế tại một trung tâm chống dịch COVID-19 ở Hà Nội hôm 10/8. Chính phủ Việt Nam đang xem xét bắt buộc người dân cài ứng dụng truy dấu tiếp xúc để "phục vụ công tác phòng chống dịch" trong khi người dân lo ngại về bảo mật thông tin từ việc dùng ứng dụng này.

Chính phủ Việt Nam đang xem xét bắt buộc người dân cài đặt ứng dụng Bluezone truy dấu nguồn lây nhiễm virus corona trên điện thoại để “phục vụ công tác phòng chống dịch” COVID-19 trong lúc người dân lo ngại về bảo mật thông tin khi chính phủ chưa có chính sách rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu người dùng ứng dụng này.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 hôm 18/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được truyền thông trong nước trích lời cho biết “dịch bệnh còn kéo dài” trong khi “ít nhất một năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người.”

Trong luật pháp Việt Nam tôi chưa thấy điểm nào cho phép chính phủ hay chính quyền bắt buộc người dân phải cài đặt một ứng dụng này hay ứng dụng kia... Điều tôi quan ngại nhất là chính phủ không cam đoan về vấn đề bảo mật thông tin.
Bùi Sơn, kỹ sư sống ở Hà Nội


Phó Thủ tướng chính phủ, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu “tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh.”

Một trong những giải pháp đó là phát triển các giải pháp công nghệ thông tin trong việc truy vết để xác định các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus để xét nghiệm.

Phó Thủ tướng Đam và lãnh đạo ban thống nhất giao cho các cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền “xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc” chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng, trong đó có khai báo y tế điện tử và Bluezone, trên điện thoại thông minh “để phục vụ công tác phòng chống dịch,”, theo Tuổi Trẻ.

“Tôi chưa thấy có cơ sở pháp lý nào (để bắt buộc) việc này,” anh Bùi Sơn, một kỹ sư sống ở Hà Nội cho biết. “Tất cả các application (ứng dụng) khi cài đặt trên điện thoại hay máy tính cá nhân thì người sử dụng đều có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng cài đặt đó. Trong luật pháp Việt Nam tôi chưa thấy điểm nào cho phép chính phủ hay chính quyền bắt buộc người dân phải cài đặt một ứng dụng này hay ứng dụng kia.”

Ứng dụng Bluezone do tập đoàn công nghệ Bkav phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển được ra mắt vào giữa tháng 4 vừa qua. Nhiều quảng cáo trên truyền thông trong nước khuyến khích người dân cài đặt Bluezone “để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ cộng đồng, chung tay chống dịch.”

Theo anh Sơn, nếu 100% cộng đồng đều cài “có thể sẽ có một hiệu quả nhất định gì đó” nhưng vấn đề mà anh Sơn quan ngại nhất là việc “Chính phủ không cam đoan về vấn đề bảo mật thông tin.”

“Nếu thông tin của anh được bảo mật chắc chắn chính quyền sẽ không biết nhưng chính quyền đưa anh đi cách ly vì phát hiện thông qua ứng dụng Bluezone này thì chứng tỏ thông tin cá nhân của anh đã có một bên thứ 3 nắm được,” theo anh Sơn, người từng tải Bluezone lên điện thoại cá nhân nhưng sau đó xóa bỏ ứng dụng này vì lo ngại vấn đề bảo mật thông tin. “Nên tôi thấy nguy cơ mất bảo mật thông tin cá nhân nằm ở chỗ này.”

Việt Nam không có luật bảo vệ dữ liệu và theo đánh giá của Data Protection Excellence Network khi so sánh với các ứng dụng truy dấu COVID-19 trong khu vực ASEAN, Bluezone có thể gây lo ngại cho người dùng về sự riêng tư và không rõ người dùng sẽ chia sẻ dữ liệu lịch sử tiếp xúc như thế nào với chính phủ trong trường hợp bị lây nhiễm.

Theo giải thích của Cục Tin học hoá, bằng việc lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng ý cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cục này cho biết dữ liệu tiếp xúc sẽ chỉ được phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nghi nhiễm.

Việt Nam không có luật bảo vệ dữ liệu...Bluezone có thể gây lo ngại cho người dùng về sự riêng tư.
Data Protection Excellence Network


Giống như anh Sơn, trước thông tin Bkav là nhà phát triển ứng dụng Bluezone, nhiều người dùng tỏ ra e ngại về việc dữ liệu cá nhân bị đánh cắp khi sử dụng ứng dụng này. Theo Vietnam Finance, trả lời những thắc mắc này, Cục Tin học hoá của Bộ TTTT cho biết Bluezone “chỉ sử dụng quyền truy cập tệp để ghi lịch sử tiếp xúc váo bộ nhớ của thiết bị.”

Theo mô tả của về hoạt động của Bluezone, để ứng dụng này hoạt động hiệu quả, điện thoại người dùng phải luôn bật Bluetooth để “ghi nhận lịch sử tiếp xúc”. Điều này gây quan ngại cho người dùng về vấn đề bảo mật thông tin khi một trong những câu hỏi người dùng đưa ra đối với Cục Tin học hoá là “Bluezone có theo dõi vị trí người dùng không?”.

Bộ TTTT và Bộ Y tế Việt Nam gần đây đã khuyến nghị toàn dân “cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác” với mục tiêu có ít nhất 50 triệu người cài đặt ứng dụng này – con số tối thiểu cần thiết để Bluezone có một hiệu ứng ý nghĩa.

Đã có 18,7 triệu người dùng điện thoại tại Việt Nam tải ứng dụng Bluezone tính đến ngày 16/8, theo thống kê của Cục Tin học hoá được Vietnam Finance trích dẫn, một mức tăng hơn 18,5 triệu người dùng kể từ khi làn sóng tái lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu từ Đà Nẵng hôm 25/7.

Sau hơn 3 tuần tái lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam ghi nhận thêm hơn 500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính COVID-19 lên 933 tính tới ngày 19/8. Việt Nam cũng ghi nhận 25 ca tử vong đầu tiên vì virus corona trong hơn 3 tuần qua.