Đơn kiện của chính quyền Trump nhắm vào bang California là phát súng cảnh cáo mới nhất cho các cộng đồng khắp cả nước với chính sách được mô tả là che chở người nhập cư bất hợp pháp, và một lần nữa khơi lên tranh cãi gay gắt về thẩm quyền của chính quyền liên bang và tiểu bang liên quan tới vấn đề di trú.
Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, đệ trình hôm thứ Ba tại tòa án liên bang ở thành phố Sacramento, thủ phủ của California, nhắm mục tiêu vào ba luật được bang này thông qua vào năm ngoái mà Bộ lập luận là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. Các luật này hạn chế sự hợp tác của cảnh sát và các chủ thuê mướn lao động với các nhân viên chấp hành di trú liên bang và bắt buộc phải có các cuộc thanh tra của bang tại các cơ sở giam giữ di dân của liên bang.
“Những điều khoản của luật cấp bang có mục đích và ảnh hưởng là gây khó khăn cho các nhân viên di trú liên bang thực thi trách nhiệm của mình ở California,” đơn kiện của Bộ Tư pháp nói.
Chính quyền California do phe Dân chủ chiếm đa số thông qua các luật này để đáp lại những cam kết của ông Trump tăng mạnh các vụ trục xuất người sống ở Mỹ bất hợp pháp.
Chiến dịch trấn áp này đã khiến các nhà lãnh đạo California tức giận, và thị trưởng thành phố Oakland hồi cuối tháng Hai đã đưa ra một tuyên bố bất thường cảnh báo người dân rằng Cơ quan Chấp hành Di trú và Hải quan (ICE) đang chuẩn bị một hoạt động bắt bớ ở khu vực Vịnh San Francisco.
Chính quyền Trump đã tìm cách cắt nguồn ngân quỹ cấp cho các nơi được gọi thành phố và tiểu bang trú ẩn và đã đụng độ đặc biệt quyết liệt với California, nơi đã kháng cự ông Trump về những vấn đề bao gồm chính sách cần sa và biến đổi khí hậu cũng như cương quyết không cho phép lực lượng ICE bắt giữ và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Giới chức tiểu bang nói các chính sách che chở của họ làm gia tăng sự an toàn công cộng bằng việc thúc đẩy niềm tin giữa các cộng đồng người nhập cư và cơ quan chấp pháp và họ tuyên bố sẽ quyết liệt bảo vệ những người này trước tòa.
“Đây là vấn đề phân tranh luật pháp giữa một bên là luật liên bang và một bên là tiểu bang,” ông Phan Quang Tuệ, một thẩm phán di trú đã về hưu sống tại California, nói. Ông nhận định rằng luận cứ của Bộ Tư pháp dựa trên Điều 6 của Hiến pháp Hoa Kỳ minh định tính tối thượng của luật pháp liên bang, cũng như luật quy định thẩm quyền quản lý di trú chủ yếu thuộc về chính phủ Hoa Kỳ.
Nhưng ông cũng lưu ý tới Tu chính án 10 Hiến pháp Hoa Kỳ trong đó xác định rõ các tiểu bang có những thẩm quyền mà Hiến pháp không trao cho chính phủ liên bang, hoặc không bị cấm.
“Thật ra trong các đạo luật của California không có đạo luật nào nói rằng đây là ‘sanctuary law’ [luật che chở người nhập cư bất hợp pháp] hết,” vị cựu thẩm phán này nói.
Hiến pháp Hoa Kỳ cho các tiểu bang quyền được quyết định thi hành an toàn công cộng như thế nào và chính quyền liên bang không thể lấn lướt những quyền đó, Tổng chưởng lý California Xavier Becerra nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư.
“Chúng tôi không tìm cách thi hành luật di trú. Chúng tôi đang thi hành luật an toàn công cộng,” ông nói. “Chính quyền Trump không thích điều đó, nhưng chúng tôi không tìm cách xen vào công việc của họ. Họ lại muốn xen vào công việc của chúng tôi.”
Thống đốc Jerry Brown nói California đã “vạch ra ranh giới thích đáng giữa những gì mà tiểu bang có thẩm quyền thi hành và quyền tối thượng của liên bang.”
Cựu thẩm phán Tuệ phân tích California có cơ sở vững chắc để đưa ra lập luận rằng điều mà chính quyền liên bang đang yêu cầu tiểu bang này làm là buộc họ sử dụng nguồn lực của mình cho việc thực thi di trú, vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.
“Tôi lấy thí dụ là DMV [Sở đăng ký phương tiện giao thông] không có bổn phận phải cung cấp thông tin cho các cơ quan liên bang của Sở Di trú. Tại vì sao? Vì Sở Di trú có lãnh vực riêng của họ,” ông dẫn ra một thí dụ về luật của California hạn chế sự hợp tác của cơ quan công lực tiểu bang với lực lượng chấp hành di trú liên bang.
“Họ đâu có thể biến các cơ quan công lực của tiểu bang California thành công cụ thi hành áp dụng luật pháp của họ.”
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từng phán quyết về một vụ việc tương tự liên quan tới một luật năm 2010 của tiểu bang Arizona bị chính quyền Obama kiện. Đơn kiện của chính quyền Trump cũng đưa ra cùng lập luận như của chính quyền Obama về tính tối thượng của luật liên bang.
Nhưng điều khác biệt là luật của Arizona quy định cảnh sát tiểu bang, dù thi hành các luật khác, phải tra hỏi tình trạng di trú của những người mà họ tình nghi cư trú bất hợp pháp, hình sự hóa việc chứa chấp những người này, và cấm họ tìm kiếm việc làm ở những nơi công cộng. Nó cũng yêu cầu người nhập cư phải mang giấy tờ tùy thân.
Tòa án Tối cao bác bỏ những điều khoản chính của luật này vào năm 2012. Thẩm phán Anthony Kennedy nói rằng dù Arizona có những “bất bình có thể hiểu được” về những người nhập cư bất hợp pháp, song tiểu bang này không thể theo đuổi những chính sách “làm suy yếu luật liên bang.”
Eric Holder, cựu Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Obama, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng không giống như Arizona, California không tìm cách quản lý di trú và để “việc chấp hành di trú liên bang lại cho nhà chức trách liên bang.”
Cuộc phân tranh pháp lý giữa California và chính quyền Trump liên quan tới vấn đề di trú có thể gây khó khăn cho một số thành phố và địa hạt ở tiểu bang Bờ Tây này của Mỹ, theo lời ông Tạ Đức Trí, Thị trưởng Thành phố Westminster ở miền Nam California.
“Thành phố có chấp hành hay không chấp hành thì cũng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan,” ông nói, nhắc đến việc thành phố của ông vừa phải thi hành luật của liên bang và của tiểu bang. “Khi mà cấp liên bang và tiểu bang không có sự đồng nhất thì các cấp địa phương, quận và thành phố gặp rất nhiều khó khăn.”
Ông Trí cho biết đến giờ này ông chưa nhận được yêu cầu chia sẻ thông tin từ cơ quan chấp hành di trú liên bang, nhưng ông lo lắng về những diễn biến sắp tới.