Ông Trần Đại Quang chúc Tết gộp Tết Tây - Tết Ta làm một

TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng Tết Âm lịch là một dịp tết cổ truyền của Việt Nam, có liên quan đến những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam, vì vậy cho dù có đang trên đường hiện đại hóa, Việt Nam vẫn nên giữ cái hồn này.

Trong lúc có nhiều tranh cãi về việc có nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, hay bỏ hẳn Tết Ta, thì chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gộp lời chúc Tết Dương lịch 2017 và chúc Tết Nguyên đán Đinh Dậu thàng một.

Hôm 28/01, báo Nhân Dân đăng nguyên văn thư chúc Tết của ông Trần Đại Quang, và đài Truyền hình VTV cũng phát sóng trực tiếp bài phát biểu của ông Quang vào đêm giao thừa, tức đêm 27/1, khi hàng triệu người dân hân hoan đón chào thời khắc thiêng liêng, mừng xuân Đinh Dậu.

Ít ai lưu ý rằng, thư chúc Tết “gộp” của ông Quang được đề ngày 1/1/2017, tức là ngày Tết Dương lịch. Bức thư này sau đó được Thông tấn xã Việt Nam đưa lên hệ thống mạng vào ngày 27/01/2017. Tuy nhiên, VTV đã phát hiện ra sự bất thường về cách đề ngày và đã điều chỉnh từ ngày 1/1/2017 thành ngày 28/01/2017, nhưng nội dung không có gì thay đổi, tức là vẫn “gộp.”

Trong đoạn đầu tiên của bức thư chúc Tết vỏn vẹn có 344 chữ, ông Quang đã có ý chúc Tết Dương lịch và Tết Đinh Dậu cho cả người dân Việt Nam và người nước ngoài: “Nhân dịp năm mới 2017 và đón Tết cổ truyền Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới toàn thể đồng bào….tôi trân trọng chúc nhân dân các nước trên thế giới, bạn bè quốc tế một năm mới hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng.”

Trước đó các trí thức Việt Nam như Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, và Kinh tế gia Phạm Chi Lan cho rằng nên gộp Tết Ta vào Tết Tây lại để tránh gây lãnh phí, tập trung phát triển kinh tế, và con cháu những người Việt ở nước ngoài sẽ thuận tiện về thăm gia đình, họ hàng tại Việt Nam.

Your browser doesn’t support HTML5

Người Mỹ gốc Việt đón Tết tại Việt Nam

Nhà giáo Phạm Toàn ở Hà Nội, người đứng đầu nhóm biên soạn bộ sách giáo khoa mới cho học sinh Việt Nam, nói với VOA rằng việc bỏ Tết Ta còn giúp hạn chế nhiều điều tiêu cực trong xã hội như nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông…

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Diện lại cho rằng Tết Âm lịch là một dịp tết cổ truyền của Việt Nam, có liên quan đến những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như mùa vụ, lễ hội, cúng tế… hay tâm lý hướng về cội nguồn của người Việt. Vì vậy cho dù có đang trên đường hiện đại hóa, Việt Nam vẫn nên giữ cái hồn này.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, người rất gắn bó với lễ hội truyền thống của Việt Nam đã mở diễn đàn trên Facebook lấy ý kiến xoay quanh những tranh cãi này: “Một số người cho rằng Việt Nam, giống như Nhật Bản, nên gộp Tết Nguyên Đán với Tết Dương lịch. Họ cho rằng có hai kỳ nghỉ lễ gần nhau như vậy khiến mất đi quá nhiều thời gian và ảnh hưởng đến năng suất làm việc tại các cơ quan. Những người khác thì tin rằng nên giữ gìn truyền thống và rằng hai kỳ nghỉ lễ vẫn nên tách biệt. Tôi rất muốn biết quan điểm của các bạn về vấn đề này.”

Khi các tranh cãi còn đang nóng trên diễn đàn, thì bức thư chúc Tết “gộp” của chủ tịch Trần Đại Quang có lẽ đã phần nào phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo Hà Nội về việc có nên gộp Tết Ta vào Tết Tây hay không.