Chương trình 'Xây một ngôi trường tại Miến Điện'

  • Jan Sluizer

Ông Robert Corwell (giữa) đứng trước ngôi trường thứ nhì vừa được xây xong cùng với ủy ban của trường

Liên Hiệp Quốc cho biết, Miến Điện là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với thâu nhập bình quân đầu người là khoảng 460 đôla một năm. Trong hơn 25 năm, dưới chế độ của chính phủ quân nhân, Miến Điện đã phải đối diện với các biện pháp trừng phạt gắt gao của quốc tế. Ngày nay, với một chính phủ mới do dân bầu lên còn đang phát triển, viện trợ quốc tế đã bắt đầu tới, nhưng rất ít tài nguyên được phân phối cho giáo dục tại những làng xa xôi. Đây là những khu vực cần được giúp đỡ nhưng không có nhiều triển vọng. Đó là nơi ông Bob Cornwell và chương trình Xây một ngôi Trường tại Miến Điện đã tới.

Ba năm trước đây ông Bob Cornwell là một cố vấn tài chánh cho nhiều chính phủ nước ngoài với một vị trí béo bở trong một xí nghiệp tham vấn tài chánh. Ngày nay, ông đang xây trường tại Miến Điện. Ông nói:

“Thật ra chúng tôi tìm cách giúp những trẻ em sống bên lề xã hội, những người không có được cách nào khác để có một nền giáo dục, và trẻ em không có được một nền giáo dục thì chỉ là một miếng mồi ngon cho tất cả mọi loại tai họa cá nhân trong cuộc đời của chúng.”

Ông Cornwell đã gặp những trẻ em đó hồi năm 2010, khi ông và một người bạn đi bộ từ làng này sang làng khác trong tỉnh vùng núi miền tây bắc Miến Điện, một khu vực của cựu thuộc địa Anh có tiếng trong việc đi bộ du ngoạn. Ông cho biết:

“Chúng tôi cứ đi bộ, rồi lại đi bộ và mỗi đêm ở lại một làng, ngủ trên sàn. Không có làng nào ở đây có điện. Nhiều làng thật sự không thể tới được dù bằng đường bộ. Và rất nhiều trẻ em. Có lẽ trung bình mỗi gia đình có 5 em. Không có trường học.”

Trở về nhà tại California, ông Cornwell đã hết sức ngạc nhiên khi thấy rằng chi phí để xây dựng một ngôi trường tiểu học thật là khiêm tốn theo tiêu chuẩn của Mỹ - mười lăm hoặc hai mươi ngàn đôla. Ông đã bán đi cổ phần của mình trong xí nghiệp mà ông đã gây dựng 25 năm trước đây, và trở lại Miến Điện, tìm kiếm những làng không được giúp đỡ. Chỉ tiêu số một của ông là cộng đồng này theo đuổi việc xây dựng một trường học bằng cách đóng góp đất và lao động.

Trong số những người tình nguyện của ông có nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Rick Heizman – một chuyên gia hàng đầu về âm nhạc Miến Điện. Ông Heizman nói:

“Miến Điện đã làm tôi xúc động khi tôi tới đó trong những năm 1980’s.”

Ông Heizman đã thực hiện các dự án nhân đạo và giáo dục tại Miến Điện trong hơn hai thập niên.

Ông và vợ ông, bà Su Wei, là nhạc sĩ đàn harp nổi tiếng sống tại San Francisco, nhưng thường trở về Miến Điện để thăm các dự án trường học.

Bà Su Wei nói rằng các trẻ em này rất háo hức được học để đọc và viết, và cha mẹ các em hy vọng rằng có được một nền giáo dục mà không phải rời khỏi nhà sẽ cho phép các con họ phá vỡ được cái vòng luần quẩn của nghèo khó. Bà nói:

"Hầu hết họ là công nhân, nông dân, Thông thường họ phải lo làm việc. Trường học ở trong làng, gần nhà, như vậy, ít nhất họ không phải lo đưa con đến trường tại những nơi xa."

Để có một ý niệm về những làng này xa như thế nào, ông Heizman mô tả một chuyến đi từ làng Pharagyi ở miền tây Miến Điện nơi một trường học của tu viện cho 120 học sinh đang được xây cất. Ngày đầu tiên là phải đi máy bay từ Rangoon tới Sittwe ở bờ biển phía Tây bắc. Ông nói tiếp:

“Ngày kế phải đi bẳng đường sông cỡ tám giờ đồng hồ, và ngày sau đó đi bằng xe Jeep băng qua một số ngọn đồi tới một con sông nữa, và rồi đi bằng thuyền trên giòng sông đó 5 giờ nữa mới tới. Như vậy phải mất nửa tuần lễ để tới đó và nửa tuần lễ để ra khỏi đó.”

Cho tới nay, tổ chức này đã xây dựng được hai trường học, trường thứ ba đã gần xong và trong tháng Sáu việc xây dựng hay sửa chữa lại bắt đầu cho hai trường nữa.

Ông Bob Cornwell đã cho sự thành công này là nhờ lắng nghe các thành viên của cộng đồng. Nhưng ông nói rằng, quan trọng hơn nữa là phải tạo ra đối tác với các tổ chức dân sự địa phương. Ông nói:

“Họ có liên hệ rất tốt với dân chúng địa phương. Họ hiểu nhu cầu là gì. Họ nói tiếng địa phương là vấn đề rất quan trọng, bởi vì khoảng 40% dân chúng tại Miến Điện không phải là sắc tộc Miến Điện và họ không nói tiếng Miến Điện như là ngôn ngữ thứ nhất của họ và họ thường hay bị đe dọa bởi các giới chức.Vì thế có người nào thật sự hiểu tình hình địa phương là vấn đề rất quan trọng. Họ hiểu nhu cầu tốt hơn chúng tôi. Họ luôn luôn ở hiện trường tại đó, vì thế chúng tôi thật sự chú trọng tới các tổ chức đó.”

Ông Cornwell nói rằng chương trình Xây một Trường học tại Miến Điện mới chỉ là bước khởi đầu. Ông đang viết đơn xin tài trợ và tìm kiếm các nguồn tặng dữ để xây dựng càng nhiều trường càng tốt. Ông nói rằng, việc sử dụng những năm nghỉ hưu của ông theo cách này sẽ làm cho ông hạnh phúc hơn mà ông chưa bao giờ tưởng tượng được.