Phản ứng của Trung Quốc trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga đối với Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, có thể kết hợp “sự bực tức” và “hoảng loạn” khi Bắc Kinh dường như đang mất quyền kiểm soát đối với quốc gia khách hàng của mình, theo các cựu quan chức chính sách và tình báo Hoa Kỳ.
Họ lưu ý rằng quan hệ đối tác an ninh rõ ràng giữa hai nước láng giềng của Trung Quốc —Nga và Triều Tiên — có thể làm suy yếu vị thế chiến lược của Trung Quốc ở Đông Á và có những tác động lâu dài không có lợi cho Trung Quốc.
Vào ngày 30/10, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui sẽ tổ chức “các cuộc tham vấn chiến lược” tại Moscow với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong bối cảnh Hoa Kỳ, Hàn Quốc và NATO bày tỏ lo ngại rằng Bình Nhưỡng đã cử hàng nghìn quân đến huấn luyện tại Nga.
Các quan chức Hoa Kỳ tin rằng Nga có ý định sử dụng lính Triều Tiên trong chiến đấu hoặc hỗ trợ các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine ở khu vực Kursk. Hàn Quốc đã lên án hành động này là mối đe dọa an ninh đáng kể đối với cộng đồng quốc tế.
Tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko đã có cuộc hội đàm vào ngày 30/10, trong đó ông Vương tái khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia. Các quan chức đã trao đổi quan điểm về Ukraine nhưng không tiết lộ chi tiết về cuộc thảo luận của họ.
Nhưng các quan chức Trung Quốc đã tránh đưa ra bình luận trực tiếp về việc Triều Tiên điều động hàng nghìn quân đến Nga.
“Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên hạ nhiệt tình hình và phấn đấu giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine. Quan điểm này vẫn không thay đổi”, ông Lâm Kiếm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh trong cuộc họp báo vào ngày 29/10.
Sự hoảng loạn của Trung Quốc
“Sự im lặng ở Bắc Kinh về vấn đề này thật đáng kinh ngạc”, ông Dennis Wilder, cựu quan chức tình báo cấp cao của CIA, nói.
Ông Wilder cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể nói bất cứ điều gì công khai khi ông phải đối mặt với một Kim Jong Un khó lường.
“Người Trung Quốc rất thận trọng về hỗ trợ hạt nhân cho Triều Tiên, duy trì viện trợ kinh tế nhỏ giọt liên tục để Triều Tiên vẫn ổn định. Nhưng nếu [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đi theo con đường hỗ trợ hạt nhân, điều này sẽ củng cố các liên minh của Mỹ ở Đông Á, có thể tạo ra một NATO thực sự.”
“Và vì vậy [Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình] đang ở trong một tình thế rất, rất khó khăn”, ông Wilder phát biểu trong một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tổ chức vào ngày 29/10.
Ông Wilder gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể tận dụng các kênh tình báo của mình với Trung Quốc để thu thập và phân tích dữ liệu chung.
Cựu quan chức cấp cao của hội đồng an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Victor Cha cho biết bằng cách gửi quân, Triều Tiên đang “đặt cọc” cho Nga về quan hệ đối tác an ninh chung — điều mà Bình Nhưỡng không bao giờ có thể đảm bảo được từ Bắc Kinh.
Ở Trung Quốc, ông nói, “Có lẽ có sự kết hợp giữa một chút bực bội, một chút hoảng loạn và một chút họ không biết phải làm gì với tình hình hiện tại.”
“Sự hoảng loạn là Nga hiện có thể có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với Triều Tiên so với Trung Quốc”, ông Cha, hiện là chủ tịch của Bộ phận Địa chính trị và Chính sách đối ngoại tại CSIS, cho biết thêm.
Cả ông Wilder và ông Cha đều từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.
Rào cản ngôn ngữ
Các nhà phân tích quân sự khác lưu ý rằng mặc dù binh lính Triều Tiên có thể có được kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động chiến đấu chỉ bằng cách triển khai đến một quốc gia khác, nhưng họ cũng sẽ gặp phải những thách thức đáng kể.
“Cũng có một vấn đề rất lớn về ngôn ngữ”, Đại tá Mark Cancian, người đã dành hơn ba thập kỷ trong Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và hiện là cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế CSIS, cho biết.
Ông đặt câu hỏi làm thế nào một nhóm người Triều Tiên có thể hòa nhập hiệu quả với một đơn vị quân đội Nga và giao tiếp và hoạt động cùng nhau.
Theo ông Cancian, khả năng Nga chuyển giao công nghệ liên quan đến phi đạn đạn đạo, phòng không và vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên “có lẽ là kịch bản nguy hiểm nhất” theo quan điểm của Hoa Kỳ.
Vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc
Hôm 29/10, các quan chức Hoa Kỳ đã phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Lavrov rằng hỗ trợ quân sự giữa Nga và Triều Tiên không vi phạm luật pháp quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 29/10 nói rằng “việc Nga huấn luyện binh lính Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên liên quan đến vũ khí hoặc vật liệu liên quan”, cũng như “bất kỳ hoạt động huấn luyện hoặc hỗ trợ nào liên quan đến binh lính Triều Tiên trong việc sử dụng phi đạn đạn đạo hoặc các loại vũ khí khác” đều cấu thành hành vi vi phạm trực tiếp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã công bố kế hoạch trao đổi đoàn đại biểu để phối hợp hành động và chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến việc triển khai quân đội Triều Tiên tới Nga.
Tuần này, đặc phái viên của Kyiv tại Hàn Quốc sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với các quan chức Hàn Quốc.
Tại Washington, các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ sẽ hoan nghênh sự hỗ trợ gia tăng của Hàn Quốc dành cho Ukraine. Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ cân nhắc việc gửi “vũ khí để phòng thủ và tấn công” và cũng có thể cử quân nhân và nhân viên tình báo tới Ukraine để phân tích chiến thuật chiến trường của Triều Tiên và hỗ trợ thẩm vấn những người Triều Tiên bị bắt.
“Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ đối tác Ukraine của chúng tôi khi họ tiếp tục bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với VOA trong một cuộc họp báo gần đây.