Chuyện vui bóng đá Pháp: Khi cầu thủ N.Anelka chết vì cười

Nicolas Anelka

Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Pháp FFF – Fédération Française du Football - vừa họp xét kỷ luật 5 cầu thủ bóng đá Pháp trong đội tuyển quốc gia vừa dự giải FIFA - Mundial 2010 ở Nam Phi. Tội danh là: vô kỷ luật, làm reo, bãi công, bỏ cuộc tập luyện trước cuộc đấu cuối cùng, làm kiến nghị phản đối huấn luyện viên Domenech và ban chỉ đạo FFF Pháp. Báo chí Pháp gọi vụ này là «cuộc nổi loạn ở Krysna». Krysna là nơi diễn ra cuộc tập luyện.

Ủy bản quyết định các mức phạt như sau:

Patrice Evra, 29 tuổi, là thủ quân, bị truất quyền thi đấu trong 5 trận đấu quốc tế, nghĩa là bị treo giò cho đến ngày 9-2-2011 mới được dự cuộc đấu hữu nghị với đội Brazil, do trách nhiệm là thủ quân của đội tuyển quốc gia.

Frank Ribéry, 33 tuổi, phó thủ quân, bị truất quyền thi đấu trong 3 trận đấu quốc tế, cho đến ngày 12-10 này sẽ được dự cuộc đấu với đội Luxembourg trong vòng loại Cúp châu Âu 2012, do trách nhiệm là phó thủ quân của đội tuyển.

Jérémy Toulalan, 26 tuổi, bị truất quyền thi đấu trong 1 trận đấu quốc tế, nghĩa là bị treo giò trong trận đấu giao hữu với đội Beìlorussie vào ngày 3-9 tới, do trách nhiệm là người đã thảo ra «tuyên bố lên án huấn luyện viên và ban chỉ đạo FFF».

Éric Abidal, 31 tuổi được miễn phạt do chỉ là người theo đuôi để ký vào bản tuyên bố chung.

Riêng cầu thủ Nicolas Anelka, tiền đạo xuất sắc của đội Chelsea, 32 tuổi, bị phạt nặng nhất, bị truất quyền thi đấu trong 18 trận quốc tế.

Hầu hết báo chí Pháp, từ le Monde, le Figaro cho đến Équipe chuyên viết về thể thao đều cho rằng bản án nặng cho Nicolas Anelka là khó hiểu, là bất công, là vô lý, Anelka là con vật tế thần nhằm xoa dịu sự bất bình rộng lớn của công chúng trước thất bại nặng nề của nền bóng đá Pháp tại FIFA Mundial 2010 ở Nam Phi. Vì thật ra Anelka không có mặt ở Knysna, không tham gia cuộc «nổi loạn», anh đã bị đuổi khỏi đội tuyển trước đó. Anh bị đuổi vì một lý do còn mập mờ, đó là trong giờ nghỉ giải lao trong trận đấu Pháp - Mexico ngày 17-6-2010, Pháp bị thua 0-2, trong phòng nghỉ dưới tầng hầm anh mệt mỏi thốt ra một câu chửi thề có phần thô cộc và tục tĩu để giải sầu, vài người nghe được và kể lại do vô ý thức, đến tai huấn luyện viên và quan chức FFF nên trở thành đại sự. Ngày hôm sau, khi câu chửi thề xuất hiện trên báo Pháp, N. Anelka phát biểu ngay: «Tôi có thốt ra một câu, nhưng không phải đúng như thế, có người đã chơi xấu tôi khi xuyên tạc». Không có ai đứng ra làm chứng thật sự câu nói ấy là thế nào, cũng không có máy ghi âm, nên việc thi hành kỷ luật của ban kỷ luật FFF bị công luận cho là thiếu cơ sở pháp lý.

Chưa biết Nicola Anelka có khiếu nại vụ này hay không. Chỉ biết chắc là anh đã tuyên bố vĩnh biệt đội tuyển quốc gia Pháp từ trước khi bị đưa ra ban kỷ luật của FFF.

Trả lời phỏng vấn của báo France-Soir ngày 17-8, Nicola Anelka cất to tiếng cười: «Uỷ ban kỷ luật FFF đã đánh một đòn vào không khí, vào khoảng trống rỗng! Tôi đã tuyên bố rõ từ hơn một tháng nay là quan hệ tôi với đội tuyển Pháp đã thuộc về dĩ vãng. Vì vậy tôi không quan tâm bị treo giò 18 tuần lễ hay bao nhiêu tuần».

Anh còn hóm hỉnh: «Tôi vẫn chơi cho Chelsea, nghĩa là vẫn chơi cho đội Xanh» - đội tuyển Pháp thường mặc áo màu xanh, và thường được gọi là đội Xanh. Vì ở nước Anh này, đội Chelsea cũng thường mặc áo màu Xanh, và được gọi thân mật là The Blues.

Cuối cùng trong điện thoại, Nicola Anelka cất tiếng cười to từ bên kia biển Manche: «Nghe tin tôi bị người ta thi hành kỷ luật về vụ nổi loạn mà tôi không có mặt, tôi cười đến chết đi được! (Je suis mort de rire!)».