Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi TQ hợp tác về vấn đề Bắc Triều Tiên, Iran

  • Margaret Besheer

Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (thứ ba bên phải), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner (thứ nhì bên trái) tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 24/5/2010

Vào lúc khởi đầu các cuộc đàm phán song phương rộng lớn tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong việc hình thành một đáp ứng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên và Iran. Từ thủ đô Trung Quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Clinton tuyên bố có rất ít vấn đề toàn cầu có thể giải quyết được nếu Hoa Kỳ hay Trung Quốc hành động đơn độc, hoặc nếu không có sự hợp tác giữa hai nước này.

Trong nhận định mở đầu cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược cấp cao đang diễn tiến ở Bắc Kinh hôm nay, bà Clinton nêu ra Bắc Triều Tiên và Iran là các trường hợp mà quan hệ Trung-Mỹ là thiết yếu.

Bà nói Hoa Kỳ và Trung Quốc đã hợp tác hồi năm ngoái trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để áp đặt các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên sau khi nước này thực hiện một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Bà Clinton nói: “Và hôm nay chúng ta đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng khác, do vụ đánh đắm chiếc tàu của Nam Triều Tiên khơi ra. Vì vậy mà chúng ta lại phải hợp tác với nhau một lần nữa, để giải quyết thách thức này và thúc đẩy các mục tiêu chung của chúng ta là đem lại hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên.”

Tại Seoul, Tổng thống Lee Myung-bak hôm nay loan báo Nam Triều Tiên sẽ cắt đứt phần lớn các quan hệ thương mại với miền Bắc và cấm tàu bè của Bắc Triều Tiên vào hải phận của họ để đáp lại vụ đánh đắm chiếc tầu hải quân Nam Triều Tiên và gây thiệt mạng cho 46 thủy thủ hồi tháng ba.

Ngoại trưởng Clinton cũng nêu ra các cuộc thương nghị hồi gần đây giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng ý về một dự thảo nghị quyết áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Iran về chương trình hạt nhân mà họ bị nghi ngờ.

Bà Clinton nói: “Triển vọng một nước Iran có vũ khí hạt nhân khiến tất cả chúng ta lo ngại. Và để đáp lại mối đe dọa đó, chúng ta đã cùng nhau theo đuổi một đường lối song hành vừa giao tiếp vừa làm áp lực, nhắm mục đích khích lệ giới lãnh đạo Iran thay đổi hướng đi. Dự thảo nghị quyết đã được sự đồng ý của toàn thể 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và Đức và đã được luân lưu tại Hội đồng Bảo an gửi một tín hiệu rõ ràng cho giới lãnh đạo Iran: đó là tuân thủ các nghĩa vụ của mình nếu không muốn bị cô lập và gánh chịu các hậu quả.

Ngoại trưởng Clinton nói thêm rằng sự hợp tác Trung-Mỹ là cần thiết về nhiều vấn đề khác, kể cả khủng bố, biến đổi khí hậu, năng lượng, y tế, giáo dục và phát triển. Về mặt kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner nói rằng hai cường quốc kinh tế có chung lợi ích trong một nền kinh tế thế giới vững mạnh và quân bình.

Lãnh đạo phía Trung Quốc trong các cuộc đàm phán là Ủy viên Quốc vụ viện Đái Bỉnh Quốc và Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn.

Tuy không đề cập đích danh Iran và Bắc Triều Tiên, hai bên đã kêu gọi các cuộc thảo luận thành thực và sâu rộng giữa hai nước và thừa nhận rằng hai cường quốc đang ngày càng lệ thuộc vào nhau trên sân khấu thế giới.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc cũng phát biểu vào lúc khai mạc hai ngày đàm phán về kinh tế và chính trị. Ông nói Trung Quốc và Hoa Kỳ đã hợp tác với nhau để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thúc đẩy quan hệ mậu dịch và kinh tế và tăng cường hợp tác về các nguồn năng lượng mới và sạch.

Ông nói mặc dầu hai nước khác nhau và có thể không đồng ý về một số vấn đề, Trung Quốc gắn tầm quan trọng lớn vào bang giao với Hoa Kỳ. Ông nói cả hai nước muốn phát triển một mối quan hệ “dài hạn, lành mạnh và vững chắc” đóng góp vào nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng.